Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Có rất nhiều khách hành hương khi đến chùa Thiên Minh thường dẫn con cái của họ theo. Khi lạy Phật, họ cũng kéo các em quỳ lạy với họ. Còn nhớ lần nọ, một cô thí chú đến chùa, bồng theo đứa con nhỏ. Cô này nhìn tượng Phật rất chăm chú, trước mỗi tượng Phật đều dừng lại rất lâu, xem hàng chữ nhỏ chú thích dưới mỗi pho tượng một cách kỹ lưỡng. Sau khi thắp nhang xong, cô dẫn con trai đi vòng chùa, đi mệt, liền ngồi xuống thềm gạch trước chùa nghỉ ngơi. Con trai cô chợt muốn tìm chỗ tiểu tiện. Phòng vệ sinh của chùa đều được xây ở bên ngoài, có ghi bảng hướng dẫn rõ ràng, nhưng cô này

không dẫn con trai đến phòng vệ sinh mà “phương tiện” để hắn tiểu ngay trong sân chùa.

Giới Ngạo nhìn thấy không vừa mắt, đến trước cô ta nói, nơi này là nơi thanh tịnh, không thể tùy tiện để trẻ tiểu tiện như thế. Cô này nghe xong không hài lòng, nói: chú là người xuất gia, phải nên biết cách phương tiện độ người, trong chùa phương tiện một chút, có gì quá đáng đâu, chú tiểu làm gì mà tính toán dữ vậy!

Giới Ngạo nói, tiểu tiện như thế không thể gọi là phương tiện được. Tranh luận vài câu, cô này càng nói càng hăng, giọng mỗi lúc mỗi lớn, rất nhiều khách hành hương dừng lại xem Giới Ngạo và cô ta tranh cãi. Giới Ngạo biết có nói nữa cũng vô ích, liền bỏ đi đến nhà trù nơi hậu viện lấy ít tro để thanh lý nước tiểu của đứa bé. Cô thí chủ nhìn thấy Giới Ngạo bỏ đi, cũng không ngừng nói, cứ hướng về khách hành hương mà nói Giới Ngạo không biết phương tiện độ người. Giới Ngạo cầm cây chổi và ít tro đến sân chùa, thấy nữ thí chủ vẫn còn đứng đó nói oang oang, nên không tiện tới, chỉ còn cách đứng bên cạnh Giới Sân cười thiểu não. Cô này đang nói tới lúc đắc ý, chợt vô ý đạp lên bãi nước tiểu của con trai, nền gạch đá trong sân chùa vốn rất trơn, lại thêm bãi nước tiểu, nên càng trơn dữ, liền bị trợt chân té xuống cái ạch. Cô ta chống tay đứng dậy, nhìn Giới Ngạo đứng trước mặt ngơ ngác, chợt cảm thấy hổ thẹn, vội vàng bồng con trai một mạch xuống núi.

Chúng ta không nên mong đợi người làm ác sẽ gặp ác báo, như vậy sẽ ảnh hưởng đến nội tâm của chính mình. Nhưng người làm việc chưa tốt, có thể họ sẽ phải đảm nhận một phần trách nhiệm mà họ đã gây tạo.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Giới Trần được bà đem đến chùa hồi còn nhỏ xíu. Sau khi cha mẹ ly dị, Giới Trần ở với mẹ. Ngày nọ, mẹ và cha kế của hắn cùng đi làm ăn xa, không về nhà nữa. Bà của Giới Trần đã già, lại hay bệnh hoạn, sợ ngày nào đó không thể chăm sóc cháu, nên đem gởi hắn vào cô nhi viện. Thế nhưng cô nhi viện lại cho là cha mẹ của Giới Trần đều còn sống, không phù hợp điều kiện để nhận, bà phải tìm đến chùa thưa chuyện cùng quý sư phụ, xem có thể gởi hắn vào chùa chăng.

Năm đó, chùa Thiên Minh còn vắng vẻ, quý sư phụ bàn bạc lâu lắm mới quyết định nhận Giới Trần. Cuộc sống của tu sĩ đơn giản, thêm một đứa bé cũng không khó khăn gì.

Năm Giới Trần vào chùa, hắn đã được bốn tuổi, thường không nói chuyện, không hay cười, cũng không có vẻ “dị ứng” với cuộc sống mới. Có lẽ do bị chuyển tới chuyển lui nhiều lần, lúc đầu ở cùng cha, sau đó được đưa đến ở với mẹ, rồi ở với bà, cuối cùng được đưa đến chùa, riết nên hắn thành quen.

Giới Si bẩm tính hiếu động, nhưng có việc gì cũng nhường cho Giới Trần; Giới Trần dần dần trở nên hoạt bát cũng phần nào nhờ Giới Si.

Giới Trần lúc nhỏ hay lén hỏi Giới Sân, có khi nào chùa lại gởi hắn đi nữa không? Giới Sân trả lời chắc chắn là không thể, từ đó hắn mới an tâm.

Sau vài tháng, Giới Trần dần quen với cuộc sống ở chùa, nên hắn không hỏi gì nữa. Có thể thấy, khả năng hàn gắn vết thương của trẻ thật nhanh chóng.

Lúc đó, Giới Trần và Giới Si còn nhỏ, sư phụ để hai chú nằm cùng giường. Tối nào hai chú cũng quậy quọ không chịu ngoan ngoãn ngủ, cứ vật tới vật lui hoài hoài.

Khi gần ngủ, hai chú liền đề nghị Giới Sân: Sư huynh kể chuyện cho hai em nghe đi. Nếu không kể, hai “tiểu yêu” không chịu nằm yên chỗ, Giới Sân chịu không xiết, đành đồng ý.

Lúc đó, Giới Sân khoảng 17 tuổi, vào chùa được 5 năm, không có nhiều chuyện để kể, lâu lâu lại đem những câu chuyện mà sư phụ Trí Duyên đã kể để biên soạn lại, chuyện kể càng hay, hai chú càng không chịu buông tha cho Giới Sân. Bị hai “tiểu yêu” “bức bách” đến không còn biện pháp nào, Giới Sân chỉ còn cách đem chuyện nhà ra kể, những mẩu chuyện đó không phải dùng giáo hóa người, mà chỉ dùng để hù dọa trẻ con, như trẻ con không nghe lời mẹ, không chịu ngoan ngoãn ngủ, cuối cùng bị ông kẹ hay bọn lưu manh, bọn yêu quái bắt đi.

Nhưng những chuyện này lại có hiệu quả hơn những câu chuyện của sư phụ. Những lúc kể đến khâu quan trọng, Giới Sân nhìn thấy hai chú đang tự bức bách chính mình, nhắm mắt lại để ngủ, rõ ràng là hai hắn đang sợ.

Có lẽ thời gian đó do Giới Sân kể nhiều về những người xấu, nên trong đầu hai chú thường nghi ngờ bậy bạ.

Có lần, mấy chú đi công việc dưới trấn, khi về chùa trời đã tối; đang tiết mùa đông, trời tối rất nhanh, màu đen bao trùm hết không gian đường núi, không có người đi đường, hai chú tiểu có vẻ sợ hãi, nắm chặt hai tay của Giới Sân.

Bỗng có một người đi sớt qua, Giới Si hỏi nhỏ Giới Sân: Có phải là người xấu không? Đó có phải là tiểu yêu mà sư huynh hay kể không?

Lại có một người già khoảng chừng bảy, tám mươi tuổi đi ngang qua nữa. Giới Trần lại hỏi: Có phải là ông kẹ, hay ông lưu manh mà sư huynh đã kể không?

Giới Si cướp lời: Đừng nghi tùm lum, biết đâu người khác lại cho rằng tụi mình gồm một yêu quái lớn dẫn hai tiểu yêu thì sao!

Cúi đầu nhìn hai tiểu yêu, Giới Sân nói to: Có mặt sư huynh, nếu như yêu quái đến cũng không sợ!

Giới Sân nắm chặt tay hai “tiểu yêu”, ưỡn ngực trước cái tối của hoàng hôn mùa đông, bước về phía trước.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Dưới trấn Diểu có một tiệm bán hàng nhỏ của nhà họ Ích, tiệm tuy không lớn, nhưng buôn bán rất tốt, vì tài nghệ nấu ăn của đầu bếp thật cao siêu.

Có lần xuống núi đi công việc về chùa không kịp, chúng tôi ghé tiệm này dùng cơm, ông chủ tiệm đặc biệt trổ tài nấu thức ăn chay cho nhà chùa.

Ngày nọ, mấy tiểu đi ngang qua tiệm, phát hiện tại tiệm cơm có chiếc lồng, trong đó nhốt một chú chó nhỏ mập mạp dễ thương. Tiểu Giới Trần và Giới Si thích lắm, đứng trước cửa tiệm cùng giỡn với chú.

Đang đùa giỡn rất vui thì chủ bếp bảo rằng vài ngày nữa sẽ làm thịt chú chó. Giới Trần, Giới Si không đành lòng, muốn Giới Sân tôi tìm biện pháp giải cứu. Giới Sân bèn dũng cảm thương lượng với chủ tiệm ăn xem liệu có thể nào thả chú chó hay không. Chủ tiệm nói năng rất lịch sự, nhưng không đồng ý thả, nói là có khách đặt phần ăn rồi, nếu tìm chú chó khác, sợ khách sẽ không hài lòng.

Tiểu thấy khó quá, nghĩ hay là về chùa xin tiền sư phụ mua chú chó này?

Có vị khách đang ăn trong tiệm, nghe mấy tiểu thương lượng với chủ tiệm lâu quá, bèn muốn giúp các chú tiểu tiền mua chó. Nhưng ông khách nóng nảy quá, làm chủ tiệm ăn phát sân, nên gây chuyện với nhau. Cuối cùng, chủ tiệm quyết định không thèm bán chú chó dù với giá tiền nào, chắc chắn chú chó sẽ bị giết.

Chú chó nhỏ không được thả, khách ăn cũng đi khỏi.

Chúng tôi trở về chùa, cầu cứu sư phụ Trí Hằng đến thương lượng với chủ tiệm. Sư phụ mới nói với chủ tiệm vài câu, ông chủ bực mình bỏ mặc chúng tôi, trở vào trong tiếp khách.

Sư phụ cũng không tìm ông chủ tiệm nữa, dắt mấy tiểu đứng trước cửa tiệm hướng về chú chó tụng kinh. Giới Trần, Giới Si thường ngày tụng kinh không nhất tâm, hay bị sư phụ rầy, nhưng lần này, hai chú lại rất chú tâm. Chúng tôi tụng mấy giờ đồng hồ liền, chủ tiệm cũng mấy lần ra xem, muốn bảo chúng tôi đi khỏi, nhưng lại không biết làm sao mở miệng.

Hành động quái lạ của mấy thầy trò chúng tôi khiến cho khách qua đường lấy làm lạ, lần lượt đến giãi bày tình lý giúp chú chó. Chủ tiệm vốn có chút dao động, nhưng ngại mất mặt nên còn chần chừ. Cuối cùng, ông ta cũng quyết định thả chó. Sư phụ Trí Hằng đưa tiền, chủ tiệm không chịu nhận.

Làm việc gì, nếu có chút kiên trì nhẫn nại, có chút tâm tư, sự thành công đã ở trước mặt.

Sau đó, sư phụ Trí Hằng đặt pháp danh cho chú chó là Giới Ngôn.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Sư đệ Giới Trần là một chú tiểu dễ thương. Đối với người ngoài, chú hay mắc cỡ, e thẹn, chỉ cần nói vài câu với các thí chủ là mặt chú đã đỏ như gấc, nhưng chú lại được chú ý nhất chùa, các thí chủ khấn Phật xong, thế nào cũng hỏi thăm tiểu Giới Trần vài câu.

Mấy năm nay, tiểu Giới Trần lớn thêm vài tuổi, cũng bớt đi tánh e thẹn, song chú không quen thổ lộ quan điểm của mình. Dù vậy, chú có một sở thích mà cả chùa ai cũng biết, đó là thích xem pháo hoa.


Gặp khi lễ hội, Giới Trần thường leo lên nơi cao nhất của chùa, nhìn về hướng trấn Diểu, vui vẻ xem người dân dưới trấn bắn pháo hoa. Khi pháo hoa từ dưới đất vọt mạnh lên không trung, tủa ra những sắc màu đẹp mắt, niềm vui trên gương mặt của chú còn sáng hơn cả ánh pháo.

Nhớ lần nọ, mấy chú tiểu chùa hay tin siêu thị nhỏ dưới trấn mừng lễ tròn năm khai trương, nghe nói họ chuẩn bị một vài hoạt động, còn mua rất nhiều pháo, nhất định là sẽ có tiết mục bắn pháo hoa. Quả thật, đây là dịp tốt để Giới Trần xem cho no mắt, vì trước đó pháo hoa chỉ được bắn vào lúc giữa đêm giao thừa, không thể xuống núi xem, lần này các chú còn có thể đi dạo trấn nữa.

Đến ngày lễ mừng tròn năm của siêu thị, Giới Sân bận việc, nên chỉ có Giới Ngạo dẫn hai tiểu sư đệ xuống trấn xem pháo hoa. Mấy chú đi chơi đến gần tối mới về.

Qua mấy bữa sau, Giới Sân chợt nhớ chuyện xem bắn pháo hoa, lúc ăn cơm, bèn hỏi: Bữa xem bắn pháo hoa chắc đẹp lắm phải không, kể cho huynh nghe đi!

Giới Trần không hồ hởi như mọi khi, hắn nói: Pháo hoa không đẹp như em tưởng tượng, sau đó bận xem các trò vui khác nên không nhớ rõ lắm!

Thì ra, hôm đó là ban ngày, Giới Trần thích xem pháo hoa, chỉ là pháo hoa được bắn vào ban tối, ánh sáng rực lên giữa màn đêm, còn ban ngày thì ngoài âm thanh ra, pháo hoa chẳng có màu sắc gì đặc biệt.

Rất nhiều người hy vọng có cơ hội phóng ánh sáng của mình để thu hút sự chú ý của mọi người. Nhưng xem ra, nếu chỉ biết cách phóng không thôi chưa đủ, mà quan trọng còn phải biết cách để chiếu sáng vào lúc nào, vào nơi nào, như vậy thì ánh sáng mới tỏa ra hết sắc màu của nó.
Đó là câu chuyện của mấy năm về trước. Năm đó, chính quyền trấn Diểu muốn mở một vài khu du lịch, nên mời các công trình sư lên núi thiết lập kế hoạch.

Những năm đó, khách thập phương đến chùa Thiên Minh không bằng bây giờ, đôi khi cả ngày cũng không có người nào đến thắp hương, nên những công trình sư được chính quyền mời đến đều ở tại chùa.

Trong số các công trình sư đó có một chú trung niên,
trông dáng rất phúc hậu, tiểu còn nhớ nụ cười ôn hòa của chú. Chú đối xử với Tăng chúng trong chùa rất khách sáo, nếu như giữa sân mà nhìn thấy quý sư phụ thì liền chắp tay xá, đợi chúng tôi chắp tay đáp lại, chú lại lần nữa hướng đến chúng tôi xá tiếp, thường xá qua xá lại rất lâu mới kết thúc. Do đó, chúng tôi ngại gặp chú vô cùng.

Nghe nói, kế hoạch của các công trình sư phải chờ quyết định cuối cùng của lãnh đạo nên tiến trình bị trì hoãn, mọi người đều rảnh rỗi, vài vị tranh thủ dịp này đi vòng vòng tham quan, riêng chú trung niên không đi, mỗi ngày chú đều ngồi trên hòn đá bên cổng chùa nhìn lá rơi, có khi ngồi đến mấy giờ liền không động đậy.

Tiểu Giới Sân nhìn thấy dáng mạo của chú, đột nhiên nhớ lại việc sư phụ Trí Duyên từng ngồi trên hòn đá nhìn lá rơi, nghĩ chú này chắc có tâm sự nhưng chú không muốn biểu lộ, chỉ ngồi yên đó. Giới Sân thật không nén nổi nghi hoặc, lại ngồi cạnh bên chú.

Đột nhiên chú ấy thở dài, hỏi tiểu: Con người chúng ta làm sao để cảm thấy hài lòng với những việc bình thường?

Giới Sân bất chợt không tìm ra câu trả lời. Chú ấy liền kể chuyện quá khứ của chú cho tiểu nghe.

Thì ra chú tốt nghiệp từ một trường rất nổi tiếng. Khi tốt nghiệp, chú đã thiết lập cho mình nhiều mục tiêu, hy vọng trở thành người xuất chúng; đến lúc mới ra làm việc, chú không ngừng nỗ lực để đạt đến mục tiêu, nhưng lại luôn gặp nhiều trở ngại. Mục tiêu trước sau vẫn chưa thực hiện được.

Sau đó, chú kết hôn, rồi có con. Năm đó, những mục tiêu cũng chỉ là con số 0. Đến hôm nay, mục tiêu càng lúc càng mờ mịt!

Cuộc sống lắm khi bận rộn khiến chú quên đi lý tưởng, gần đây rảnh rỗi, chú đột nhiên nhớ lại mộng xa xưa, nhưng chú đã từng muốn buông bỏ mộng tưởng để trở lại làm người bình thường.

Vì vậy mà chú hỏi tiểu: Con người chúng ta làm sao hài lòng với những điều bình thường?

Giới Sân đến Phật đường cầu cứu sư phụ Trí Duyên. Sư phụ suy nghĩ, cầm ly nước ra sân, đến trước mặt chú, rồi đổ ly nước xuống chiếc bàn đá. Nước rơi đầy bàn, phần lớn theo mặt bàn chảy xuống đất, chỉ có một vài giọt đọng lại trên mặt đá.

Chú cứ ngơ ngác nhìn sư phụ Trí Duyên, không biết sư phụ đang chuẩn bị làm gì. Sư phụ nói: Ngày mai ta sẽ trả lời cho câu hỏi của chú.

Sáng sớm ngày hôm sau, chú ấy thức dậy rất sớm, đứng trước bàn. Chú nhìn thấy những giọt nước ít ỏi ngày hôm qua đã khô tự khi nào.

Sư phụ Trí Duyên nói: Nước trong ly hôm qua, có một chút đọng lại trên mặt bàn, trải qua thời gian bốc hơi bay lên không trung, còn phần nhiều đã chảy thấm vào đất. Mỗi một giọt nước đều mơ là mình sẽ được bốc lên không trung. Nhưng chỉ một ít là có thể, còn lại thì thấm vào đất, tích tụ thành nước giếng, trở thành từng ly, từng ly đẫm hương trà thơm tho. Số khác đọng lại ở gốc cây, lặng lẽ lưu động, biến thành nước nuôi dưỡng từng chiếc lá.

Ai dám nói là những giọt nước chảy vào đất là không có giá trị? Chúng chưa tầm thường bao giờ!

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

 Sư phụ Trí Duyên rất thích trồng hoa. Trước chánh điện, ngài bày rất nhiều kệ hoa, xếp hoa cảnh mà chính mình trồng lên trên; lúc Phật tử đến nghe kể chuyện xong, cũng thích đến nơi này ngắm nghía.

Các loại hoa cảnh rất nhiều, có loại hoa phổ thông như nguyệt quế, hoa lan, cũng có loại hoa cảnh hiếm lạ, tiểu cũng không biết gọi là hoa gì.

Các Phật tử hình như đều biết sở thích này của sư phụ, nên khi họ lên núi nghe kể chuyện, thường thuận tay mang vài bình hoa lên cúng dường.

Thích trồng hoa cũng chưa chắc là đã trồng tốt. Trình độ trồng hoa cảnh của sư phụ Trí Duyên ở mức thường thường, thỉnh thoảng lại làm cho các loại hoa quý khô héo. Chỉ vì thường có người dâng hoa, nên giàn hoa trước Phật đường không thấy ít đi mà trái lại càng ngày càng nhiều thêm.

Trong trấn Diểu có một ông Phật tử già họ Nhạc; ông vốn ở thành thị, nhưng sau khi về hưu thường đến thị trấn nhỏ này. Nghe nói, lúc trước ông làm việc có liên quan đến cây cỏ nên có cùng sở thích với sư phụ Trí Duyên, chỉ là trình độ trồng hoa của ông cao hơn sư phụ nhiều, thậm chí chuyển thành hiệu ích kinh tế, ông chuyên môn trồng những loại hoa bán chạy đem xuống chợ bán.

Ngày nọ, ông Nhạc đến chùa nghe kể chuyện, đem lễ vật đến dâng lên sư phụ, là một chậu hoa nhỏ, trong trồng một cành cây nhỏ.

Tiểu không biết gọi đó là hoa gì, nhưng thấy sư phụ Trí Duyên rất đỗi vui mừng, nghĩ chắc đó là loài hoa quý hiếm.

Ông Nhạc nói với tiểu, loại hoa đó mua từ rất xa mang về, khi hoa nở khoe màu sắc sặc sỡ, nhưng loài hoa này rất khó dưỡng. Ông đặc biệt đem tới một quyển sách, chỉ cho sư phụ biết trong đó có vài trang nói về phương pháp dưỡng hoa.

Sư phụ Trí Duyên vui mừng nhận sách. Sau khi ông đó đi khỏi, sư phụ ngồi trên chiếc ghế nhỏ, cẩn thận xem, rồi theo đó đem chậu hoa đặt tại nơi có nhiều ánh sáng, cẩn thận chọn loại đất, nước và vật liệu dưỡng hoa.

Sư phụ còn ghi vài điều về thời gian tưới nước bón phân, bảo tiểu nhớ nhắc nhở, kẻo sư phụ quên.

Chậu hoa đó được dưỡng hơn tháng, chưa đến lúc hoa nở thì đã khô héo. Sư phụ rất thất vọng, chỉ còn cách bỏ đi.
Ngày kia, dọn giàn hoa, tiểu đột nhiên phát hiện bên dưới có một chậu hoa Tiên Nhân Chưởng nằm lăn lóc, mà nửa tháng trước do không thấy, tiểu cứ ngỡ là ông Nhạc đã đem đi đâu hay là hoa bị rớt dưới giàn. Tiểu liền tưới nước cho hoa. Vài ngày sau, hoa liền xanh tươi như thường lệ.

Có loài hoa được tận tâm vun bồi, chưa tới tháng đã bị khô héo; có loài hoa bị bỏ lăn lóc hơn nửa tháng vẫn cành lá xanh tươi. Tiểu hỏi sư phụ Trí Duyên, làm sao mà Tiên Nhân Chưởng không bị khô héo? Sư phụ đáp, do vì Tiên Nhân Chưởng sống trên sa mạc, quen với việc khô hạn, nên không cần nước vẫn sống.

Thì ra, khốn khó không phải là nghịch cảnh, giống như hoa Tiên Nhân Chưởng sống trên sa mạc, do vậy mà sức sống càng thêm mãnh liệt.

Chúng ta đang sống trong cảnh khốn khó, có thể nên tự nói với mình rằng, tôi có thể vì thế mà trở nên lớn mạnh hơn!
Trước đây vài ngày, một họa sĩ vẽ rất xuất sắc ở trấn Diểu là Phật tử họ Hạ đến chùa, cùng đi với ông còn có một người mập mập khác. Ông Hạ ngồi trong phòng sư phụ Trí Duyên hầu chuyện, thì ra người mập mập nọ là một vị họa sĩ nổi tiếng trong thành thị, nghe nói phong cảnh trấn Diểu rất đẹp, liền đến xem. Lần này, mục đích của ông Hạ chính là dẫn họa sĩ đó đến chùa trú vài bữa, sẵn dịp vẽ vài bức tranh thủy mặc. Sư phụ Trí Duyên vui vẻ nhận lời.

Ông Hạ thường chỉ cách cho Giới Trần vẽ, nghe nói ông Hạ tới nên Giới Trần chạy ra chào. Giới Trần dựa vào cánh cửa, thò nửa đầu vào cười duyên, chưa chịu bước vào, đến khi ông Hạ vẫy tay hắn mới e dè đi đến bên cạnh.

Ông Hạ xin phép sư phụ Trí Duyên cho Giới Trần cùng vẽ với họ. Giới Trần hướng về sư phụ Trí Duyên, sư phụ gật đầu, hắn mừng rỡ chạy đi.

Hai vị họa sĩ trú trong chùa nửa tháng. Thời gian đó, Giới Trần hầu như mỗi ngày đều cùng với hai ông lên núi để vẽ, sau khi về chùa, mỗi người đều ở trong phòng miệt mài vẽ.

Hôm hai vị họa sĩ cáo từ, Giới Trần được họ tặng cho vài quyển sách. Kể từ hôm đó, hắn luyện vẽ nhiều hơn trước. Lúc trước, khi nào rảnh rỗi Giới Trần mới vẽ, lúc này, hình như hắn toàn tâm toàn ý đầu tư vào công việc này.

Kỹ năng của Giới Trần càng ngày càng tiến bộ, có khi bức tranh hắn vẽ khiến cho người ta kinh ngạc, chính chúng tôi còn không tin là do hắn vẽ nữa. Càng vẽ, hắn càng trầm mặc, trông rất lạ.

Hôm nọ, sư phụ Trí Duyên nói với Giới Trần: Sau này ít vẽ lại đi, rảnh rỗi đi ra ngoài chơi.

Giới Trần buông bút, lại cùng với Giới Si chạy lên núi.

Không lâu sau, trình độ vẽ của hắn lại càng tiến bộ.

Lần nọ, Giới Sân hỏi sư phụ Trí Duyên, vì sao không để Giới Trần phát triển năng khiếu hội họa.

Sư phụ Trí Duyên nói: Vì Giới Trần mất đi cái tâm hội họa ban đầu rồi.

Chúng ta đối với việc lý giải sự thành công nên định nghĩa thế nào? Là đạt được vụ mùa bội thu? Hay đạt được thành tích khiến người ca ngợi? Có lẽ nên mang theo niềm hỷ duyệt trên con đường thành công.

Chúng ta phải chăng đang mê mải hướng về kết quả, phải chăng thường khổ não vì kết quả đó? Giống như tâm ban đầu của Giới Trần, vẽ là vì niềm vui, vì tu tâm dưỡng tánh, còn vẽ có đẹp hay không chỉ là vật phẩm kèm theo. Khi định vị mục đích của việc hội họa là để nâng cao trình độ hội họa mà không phải vì niềm vui, hắn liền đánh mất đi ý nghĩa vốn có của việc vẽ. Sư phụ Trí Duyên cản ngăn hắn vẽ là vì nguyên nhân này.

Trên con đường đi, những niềm vui mà chúng ta có được, không thể chỉ là cái giây phút lên đỉnh núi, mà niềm vui phải đến suốt quá trình lên núi đó.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Mao Sơn rất đẹp. Đó không phải là cảm nhận của Giới Sân, mà là nhận xét của rất nhiều khách hành hương. Giới Sân từ nhỏ đến lớn chưa ra khỏi chốn này, nơi xung quanh toàn là cảnh núi non, mây nước điệp trùng. Đúng là con người ta thường không cảm được sự vật bên mình.

Năm đó, mùa Đông vừa hết vài ngày. Trên con đường nhỏ dẫn lên chùa không bóng người qua lại, chỉ có những mảng nắng hồng bên triền núi và cây cỏ xanh um bên đường. Những cành cây khô queo bắt đầu hé nở những mầm non; thảm cỏ nằm phục cả mùa đông dài nay bắt đầu xanh um trở lại. Nhắm mắt lắng nghe, dòng suối từ trên núi lâu nay băng đóng dày, giờ đã có tiếng nước chảy róc rách.

Sáng sớm hôm nọ, sau khi tụng kinh khuya xong, tiểu cùng sư phụ Trí Duyên đến giếng lấy nước. Sư phụ lớn tuổi, đi giữa đường mệt liền ngồi nghỉ trên thảm cỏ phủ đầy cánh hoa.

Một con chồn sóc chạy ngang qua, đột nhiên dừng lại, nghiêng đầu nhìn trân trân hai thầy trò. Có lẽ chùa không nuôi gà nên chú ta chưa từng “ghé thăm” cửa thiền. Giới sân muốn đùa với nó nên vội chạy đuổi theo, chồn sóc sợ nên chui vào hang.
Sáng sớm, cỏ còn đọng sương đêm, nên y áo của hai thầy trò dần thấm ướt. Sắc màu xanh biếc, đỏ hồng,… làm óng ánh cả núi đồi. Những đợt gió thoảng nhẹ cũng làm cho những hạt sương rơi xuống; những lúc gió thổi mạnh lại có thêm những cánh hoa sặc sỡ rơi theo. Tiểu hứng lấy mấy cánh hoa chơi vơi vào lòng bàn tay, sờ cánh xinh nõn nà, lòng bất chợt cảm khái, mang mang…

Tiểu hỏi sư phụ Trí Duyên: Phải chăng nhân sinh cũng giống như những cánh hoa, tuy nhỏ mà đẹp ?
Sư phụ cười đáp: Trong mắt chúng ta, cánh hoa tuy đẹp nhưng không thể để lâu được. Chỉ cần cách đêm, cánh hoa đã khô héo vì không được dưỡng nuôi. Cái đẹp này thật ngắn ngủi, không có khả năng sinh sống. Nhưng thảm cỏ bình thường kia hiếm ai để ý thì lại không ngừng sanh trưởng, dần dần phủ đầy cảnh núi.

Quả thực, ngôi sao băng lấp lánh chỉ trong thoáng chốc, nhưng ngọn đèn nhỏ lại có thể sáng thâu đêm. Nham thạch không ngừng bị sóng dữ đập vào vẫn đứng y nguyên bất động, nhưng những giọt nước nhỏ giọt vào đá từ năm này qua năm nọ lại có thể xuyên qua núi cứng. Cười to khiến người ta để ý, nhưng cười mỉm lại có thể làm ấm cả một tấm lòng.

Nhân sinh cũng như vậy, cứ theo đuổi cái huy hoàng ngắn ngủi không có ý nghĩa gì, chỉ là thay đổi quỹ đạo của chính mình, thường không đạt được gì cả; tích lũy từng chút trí tuệ, làm hành trang cho tương lai của chúng ta, mới là sự vĩnh hằng.

Lâu lâu, Mao Sơn lại có khách hành hương ghé đến tham quan. Gặp lúc thời tiết tốt, khách nhiều hơn đôi chút; gặp khi thời tiết xấu, khách ít đi dăm phần.

Vào những ngày đẹp trời, Giới Sân thường thích vào đám cây rừng gần đó để đọc kinh sách. Buổi sáng hôm ấy, Giới Sân cầm quyển kinh chuẩn bị bước đi ra, đang mở cổng chùa thì chợt nhìn thấy có hai thí chủ một nam, một nữ đang đứng lớ ngớ ở đó. Hai thí chủ trông thấy tiểu liền tiến đến gần, lịch sự hỏi thăm về địa hình của núi. Thì ra hai người này đi du lịch theo kiểu tự do, vừa du ngoạn đến Mao Sơn.

Tiểu giới thiệu sơ qua một vài phong cảnh Mao Sơn, vẽ sơ sơ vài đường để thí chủ nhìn thấy mà tham quan cho dễ.

Nữ thí chủ chợt hỏi: Địa thế núi này rất vắng vẻ, lại chưa được khai phát, vậy trong núi có thú dữ không? Tiểu cười lắc đầu, tuy Mao Sơn có không hiếm động vật, nhưng chỉ là một vài chú sóc hoặc thỏ hoang, rất hiếm loại động vật lớn và hung dữ. Nếu luận về thể hình, thì chú chó Giới Ngôn của chùa cũng thuộc vào hàng top ten!

Hẳn nhiên, tiểu cũng nhắc nhở cô Phật tử rằng, tuy núi không có các loại thú dữ, nhưng cũng không hiếm các loài côn trùng như kiến, chuột, rắn... Hai người lắng nghe lời dặn dò xong, liền vào núi tham quan.

Giới Sân thật cũng có nhân duyên với hai người đó. Lúc rảnh rỗi buổi chiều, tiểu đang quét sân, định hốt rác đem đổ ra ngoài, vừa mở cửa chùa, lại gặp hai thí chủ. Có lẽ không nghĩ có chuyện trùng hợp xảy ra, nên hai bên cứ ngẩn người ra, rồi cười.

Hai vị thí chủ nói, họ tham quan cả ngày, đi vòng hết Mao Sơn; tuy ở đây không phải chốn danh lam thắng cảnh, nhưng phong cảnh thiên nhiên trong lành, an tịnh khiến họ rất vui, chụp nhiều hình, thu hoạch cũng được nhiều thứ. Chợt cô Phật tử hỏi tiểu, không biết chùa có máy vi tính hay không, vì bộ nhớ máy ảnh của cô đã đầy, cần chuyển hình vào ổ USB.

Tiểu dẫn hai người vào phòng vi tính, đúng lúc Giới Ngạo đang ở trong đó, hai thí chủ người chọn hình, người hưng phấn kể cho hai tiểu nghe việc chụp hình hồi trưa. Những cảnh này không có xa lạ gì với các tiểu, nhưng họ có góc nhìn nghệ thuật, nên chụp ảnh rất đẹp.

Thí chủ đang mở từng tấm ảnh cho hai tiểu xem, khi đến tấm nữ thí chủ chụp trong rừng trúc, Giới Ngạo chợt chen vào một câu: Tấm ảnh chụp chung này thật đẹp!

Giới Sân nhìn tấm ảnh, chỉ thấy một mình cô ta đang đứng trong đám trúc, đâu có chụp chung với ai; hai người kia cũng thắc mắc, và cả ba ngạc nhiên nhìn Giới Ngạo. Tiểu ta đưa tay chỉ vào tấm hình, nói: Huynh nhìn đi!
Theo ngón tay của tiểu, Giới Sân chợt phát hiện ra, cách guơng mặt của cô Phật tử chừng mười phân, có một chú rắn nước nhỏ. Tuy biết đây không phải là loại rắn độc, nhưng Giới Sân vẫn cảm thấy nể phục cô Phật tử bội phần: cô dám đứng gần rắn mà chụp hình, khả năng bị rắn cắn là rất có thể xảy ra!

Nhưng bái phục chưa được ba giây, vị nữ thí chủ đã chợt la oai oái, khiến hai tiểu hết cả hồn. Giới Ngôn đang nằm ngủ ngon trên chiếc đôn nhỏ, cũng giựt mình té xuống, không biết xảy ra chuyện gì, nhìn về phía tiểu rồi cụp đuôi chạy biến.

Nữ thí chủ lập cập nói: Sao mà có rắn như vậy, thật là sợ chết người!

Thì ra, lúc chụp hình, cô không hề biết có chú rắn nằm kế bên. Xem cô gái trong hình, cô đang mỉm cười mím chi nhìn ống kính, thần thái rất nhẹ nhàng, hoàn toàn không biết hiểm nguy chỉ chừng trong gang tấc. Khi nguy hiểm đến, cô thật bình tĩnh; khi nguy hiểm đã rời xa, cô lại sợ hãi như vậy. Thật là kỳ lạ!

Thật ra, không có chút gì là lạ, nếu như chúng ta không để tâm, với những nỗi sợ hãi và đau khổ, chúng ta sẽ nhẹ nhàng vượt qua.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011


Trấn Diểu có rất nhiều cửa hàng ăn uống, nhưng Giới Sân chỉ quen mỗi tiệm cơm của nhà ông Ích; một là do cách chế biến đồ chay ở đây rất đặc biệt, hai là do chú chó Giới Ngôn của chùa vốn được ông chủ này tặng, nên chú tiểu cảm thấy gần gũi.

Lần nào đi qua tiệm cơm của nhà họ Ích, tiểu cũng thấy bà chủ ngồi ngoài tiệm rửa chén. Bà chủ theo đạo Phật, mỗi lần nhìn thấy các chú tiểu đều mời vào ngồi, và nếu tiểu có dùng cơm thì bà cũng lấy tiền rất rẻ.

Bà chủ tuy mập mạp, nhưng chưa bao giờ cấm kỵ việc ai đó nói bà mập, lâu lâu lại còn đem cái sự mập của mình ra giãi bày, rằng thật ra lúc trước bà rất ốm, nhưng sau khi mở tiệm cơm mới bắt đầu mập lên. Bà vừa than vắn thở dài, vừa nói với khách: Ai bảo nhà tôi là đầu bếp có tài nghệ quá cao, chế đồ ăn quá ngon, nên nuôi tôi quá mập như vầy!

Vậy đó, có một vài khuyết điểm, nếu như chúng ta không chú ý vào nó, tự dưng nó không còn là khuyết điểm, đôi khi chính là ưu điểm nữa.

Trong hẻm này có rất nhiều tiệm cơm, nhưng không vì sự cạnh tranh buôn bán mà làm cho bộ mặt xấu đi, ngược lại còn khiến cho danh tiếng khu phố ẩm thực ngày càng nổi. Mối quan hệ giữa các chủ tiệm cũng rất tốt, họ thường buông chuyện, đồng thời cũng không quên thám thính xem tiệm cơm của người kia có động tịnh gì khác không.

Lần nọ, bà chủ Ích đứng trước mặt khách, dùng tấm thân bồ tượng của mình ra mà quảng cáo, nhằm chứng minh cho tay nghề nấu ăn của tiệm bà. Cô chủ tiệm cơm kế bên thấy vậy liền chen vào: Nếu bà mà qua tiệm cơm của tôi, bà có thể mập hơn nữa, vì tài nghệ nấu ăn của tiệm tôi còn cao hơn nhiều!

Bà chủ Ích cười cười, đập vào vai cô kia. Cô nọ vì quá ốm yếu nên xiểng liểng, trẹo vai, phải ở nhà nghỉ vài bữa mới khỏi.

Bà chủ Ích sống rất nhiệt tình, có lần bà đang rửa chén, nhìn thấy Giới Sân, liền kéo tiểu vào tán gẫu. Tám quanh một hồi, lại lạm bàn đến cái sự ghét thương, bà thật tình bảo rằng thứ mà bà ghét nhất chính là rửa chén.

Người mở tiệm cơm, một năm bốn mùa không biết rửa bao nhiêu cái chén, mỗi ngày khách đến ăn không ít, rửa riết rồi đâm ra chán.

Giới Sân mắc cười, tự nhủ nếu như một ngày nào đó, khách không còn đến ăn nữa, liệu bà chủ có vui không khi bà không còn bị rửa chén. Chắc chắn là không rồi!

Tư tưởng chúng ta cũng giống như con lật đật vậy, không tìm ra điểm tựa, cứ lắc lư bất định, khi ở bên ở phải lại muốn qua bên trái, khi ở bên trái lại muốn qua bên phải.

Giới Sân không dám đem suy nghĩ của mình ra nói, vì tiểu còn ốm hơn cả cô chủ tiệm cơm kế bên nữa, nếu như bị bả phát cho một cái thì có nước… gãy xương chứ chẳng đùa!

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Nhân ngày Quốc Tế thiếu nhi 1-6, trấn Diểu chuẩn bị tổ chức buổi diễn văn nghệ. Diễn viên chỉ là những học sinh của hai trường tiểu học trong trấn. Nhân viên công tác của chính phủ là vị thí chủ thường hay đến chùa nghe kể chuyện. Chú ta làm “công tác tư tưởng” với sư phụ Trí Huệ, xin cho hai chú tiểu Giới Si và Giới Trần tham gia biểu diễn một tiết mục. Suy đi nghĩ lại, sư phụ bèn đồng ý.

Từ trường cải tạo được thả về, sư phụ được 24 tuổi, do được tính là sai án, nên cơ quan hữu trách đặc biệt sắp xếp công việc làm cho sư phụ. Do gia đình có nhiều biến cố, người thân ly tán, sư phụ trở nên khó câu thông với người khác, có lúc không biết mình nên nói gì, có lúc đi làm, có lúc ở nhà liền mấy ngày không ra khỏi cửa, người trong cùng đơn vị đều biết sự tình của sư phụ nên không quản giáo kỷ luật gì nhiều.

Chú nhân viên công tác chính phủ nghĩ nên cho hai chú biểu diễn võ thuật, nhưng chùa Thiên Minh không giống như chùa Thiếu Lâm, không có tăng chúng học võ. Sư phụ Trí Huệ nói, hay là cho hai chú hát một bài. Giới Trần, Giới Si thường ngày vẫn hay hát, nhưng chỉ là mấy bài hát trên mạng, hầu hết là tình ca. Thường ngày mấy chú hát không ai lưu ý, chứ một khi tiểu hòa thượng mà lên sân khấu hát tình ca thì chắc có nước… độn thổ!

Sau khi bàn bạc, mọi người quyết định cho hai chú lên tụng chú Đại Bi, như vậy vừa có thể biểu diễn tiết mục, vừa có thể hoằng dương Phật pháp, nhất cử lưỡng tiện.

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày chùa Thiên Minh kiến lập đến nay mới có người biểu diễn, nên trong chùa ai nấy đều lo lắng. Hai chú tiểu cũng chưa lên sân khấu diễn xuất bao giờ, phải luyện tập mấy ngày liên tiếp. Quý sư phụ và Giới Sân làm khán giả xem thử rồi cho biết ý kiến.

Giới Sân còn đặc biệt chọn cái mõ hay nhất, đẹp nhất của chùa cho hai chú. Sư phụ Trí Huệ còn căn dặn Giới Si, Giới Trần khi tụng chú phải trang nghiêm đoan chính, không thể giống như ngày thường miệng tụng lúng ba lúng búng, khiến quý Phật tử nghe không rõ, nghĩ sai về kinh Phật thì thật không hay. Quý sư phụ còn tích cực sửa chữa cách phát âm của hai chú, nên hai chú tiến bộ thấy rõ. Những chỗ mà hai chú nói ngọng đều phải sửa lại.

Bữa xem biểu diễn, trong chùa chỉ còn lại mỗi một sư huynh trông coi, mọi người đều mặc áo tràng lên trấn để ủng hộ hai chú.

Trấn Diểu hôm đó thật náo nhiệt, vì buổi biểu diễn này 5 năm mới có một lần. Rất nhiều người ở các trấn bên cạnh cũng kéo đến xem. Từ xa, mọi người đã nhìn thấy tấm băng-rôn ghi: "Nhiệt liệt chào mừng Tiểu sư phụ chùa Thiên Minh đến trấn biểu diễn”.

Quý sư phụ đều lo lắng, không ngờ họ lại xem trọng tiết mục biểu diễn của chùa Thiên Minh đến vậy. Giới Sân nắm tay Giới Trần; tay hắn toàn mồ hôi. Tiết mục của hai chú được xếp cuối cùng, khán giả hình như không ai về trước, đều chờ xem hai chú biểu diễn. Giới Sân đưa hai chú lên sân khấu. Khán giả rất đông, nên hai chú rất hồi hộp. Đó là thời khắc mà toàn hội trường an tịnh, khán thính giả đều yên lặng chờ hai chú biểu diễn. Hai chú đứng giữa khán đài, mơ màng gõ mõ, không nghe rõ âm thanh.

Đang yên lặng như vậy, chợt mọi người phát lên tiếng vỗ tay như sâm, micro truyền lại tiếng tụng kinh của hai chú càng lúc càng to, thậm chí hai chú tụng còn hay hơn lúc luyện tập ở chùa. Sau khi tụng xong chú Đại Bi, rất nhiều người yêu cầu hai chú tụng thêm, nên hai chú lại tụng tiếp Bát Nhã Tâm Kinh. Dù chưa tập dợt lần nào, nhưng hai chú tụng rất nhập thần. Nhiều người thưa với sư phụ rằng, hai vị tiểu sư phụ biểu diễn hay quá, tuy nghe không hiểu nội dung nhưng cũng khiến mọi người cảm động!

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Năm đó, có mấy cô Phật tử lớn tuổi đến chùa; người trưởng đoàn chính là cô Phật tử họ Lý có chồng làm quan chức trên thành thị. Họ đến chùa Thiên Minh vì bà Lý quảng cáo rằng từ khi bà đến chùa này lễ Phật cho đến bây giờ, chồng bà mỗi năm đều thăng quan tiến chức. Lời nói của bà Lý khiến cho mấy người kia cảm thấy hứng thú, yêu cầu bà Lý tổ chức cho nhóm họ đến chùa Thiên Minh lễ Phật.

Mấy cô Phật tử đeo đồ trang sức ngọc châu quý giá, sau khi thắp nhang lạy Phật, liền đi dạo quanh chùa, gặp lúc sư phụ Trí Duyên đang kể chuyện trong chánh điện, tiện thể ngồi nghe, không ngờ bị câu chuyện cuốn hút, im lặng nghe sư phụ kể hết câu chuyện. Sau đó, họ đến trước mặt sư phụ Trí Duyên, mồm năm miệng mười khen câu chuyện sư phụ kể thật có đạo lý, nói từ đó tới giờ họ chưa bao giờ được mở rộng tầm mắt như hôm nay. Một cô Phật tử còn nói rằng cô vốn chăng thích đến chùa này, vì chùa nhỏ quá, lạy Phật chưa chắc có hiệu quả, bây giờ lại cảm thấy mình sai lầm vì đã đánh giá thấp chùa này. Vài cô Phật tử lại thỉnh sư phụ dạy một chút về tri thức Phật học, mới đầu là thỉnh dạy những quyển kinh phù hợp với trình độ của họ, giảng một hồi lại đến vấn đề đeo trang sức gì mới phù hợp để niệm Phật?!

Có cô Phật tử đắc ý lấy trong người ra một tượng phật bằng ngọc nhỏ rất đẹp. Giới Sân không biết gì về giá trị của ngọc phật, nhưng có thể nhìn thấy tượng phật đó được điêu khắc hết sức tinh tế, mấy cô cứ chuyền tay nhau xem, ai cũng bảo đây là loại ngọc tốt. Cô Phật tử nọ có vẻ đắc ý, nói với sư phụ, răng tượng phật bằng ngọc này là do cô mua từ Miến Điện về, giá tiền rất mắc.
Sư phụ Trí Duyên nghe xong liền cười vui vẻ, lấy trong người ra một tượng phật bằng ngọc, nói với mấy cô, ngọc phật này là báu vật của chua. Cô Phật tử đó nghe xong tỏ vẻ mắc cỡ, hỏi sư phụ có muốn bán pho tượng không? Cô ta đưa ra một cái giá rất cao. Sư phụ cười, viên ngọc phật này mà chuyển nhượng là chuyện không thể xảy ra, nhưng nếu như muốn cầu phước cầu an, có thể để cho quý Phật tử lễ lạy. Sư phụ đặt ngọc phật lên trước lư hương nhỏ, quý cô lần lượt đến khấn vái.

Tượng ngọc phật này, Giới Sân đã từng nhìn qua. Năm nọ, có một người đem ngọc khí đến chùa trải tâm vải bày bán, đến khi gần chuyển đi, ông chủ bán ngọc có nhã ý tặng cho sư phụ một tượng ngọc phật, giá cũng không mắc lắm. Đợi họ khấn vái xong, sư phụ cười nói, nếu bàn về giá tiền của ngọc phật, thật ra tượng này không thể nào so với tượng của quý cô, nhưng nếu nói về vấn đề lễ lạy Phật Tổ, hai tượng ngọc phật này không có gì khác nhau cả! Nếu như đeo ngọc phật là để cầu Phật gia hộ, thì không nên dùng tiền bạc để so sánh giá trị của nó, trong lòng của chúng ta muốn lễ lạy chính là đức hạnh của Phật chứ không phải là muốn lễ bái tài sản của Phật.

Mấy cô Phật tử đó có chút hổ thẹn, gật đầu vâng lời. Trong cuộc sống, những chuyện như vậy thường hay xảy ra. Đối đãi với người nào đó, chúng ta thường xem trọng sự giàu có và địa vị của họ và coi nhẹ tinh thần cũng như trí huệ mà người đó có được.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Lần đó, sư phụ Trí Duyên cùng Giới Sân và Giơi Ngạo xuống trấn có công chuyện, xa xa đã nhìn thấy ông chủ Tần - chủ quán trà Chiêu Phước từ lầu hai thò đầu ra cười chào sư phụ. Sư phụ Trí Duyên gật đầu đáp lại, quay qua kể chúng tôi nghe, rằng từ khi có đoàn nghệ thuât hát nói của ông bầu họ Trần đến đây biểu diễn, quán trà của ông Tần dần dần lên hương, lúc này gặp ai ông cũng cười rất tươi.

Đang bàn tới ổng, thì ông Tần liền gọi to sư phụ Trí Duyên, khiến chúng tôi dừng lại. Chúng tôi đứng trước cửa quán trà, ông chủ từ bên trong đi nhanh ra, cười nói với chúng tôi, rằng một người bạn của ông ta trong tâm đang có chuyện buồn, nếu có rảnh, hy vọng sư phụ đồng ý lên lầu khai đạo dùm ông ấy.

Sư phụ do dự một chút, nghĩ việc hôm nay cũng không gấp gáp, nên nhận lời mời của ông Tần. Ông Tần dẫn chúng tôi lên lầu, tìm chỗ gần cửa sổ mời chúng tôi ngồi, lại bảo người phục vụ đem đến bình trà và thức ăn điểm tâm.
Ông Tần dẫn bạn đến ngồi bên chúng tôi. Chúng tôi rất ngạc nhiên, thì ra, người bạn mà ông nói tới chính là ông thí chủ họ Dư, chủ quán trà Khách Lai kế bên. Trước đó, chính ông Dư đã mở quán trà mới khiến cho quán trà Chiêu Phước xuống dôc, sau cùng ông chủ Tần phải mời đoàn hát nói đến biểu diễn để cạnh tranh. Giới Sân chợt có chút cảm khái, ông Tần thật là người tốt, đến đối thủ gặp khó khăn, ông cũng giúp một tay.

Ông chủ họ Dư thở dài. Ông Tần nói với ông ta rằng, thôi thì đem tâm sự giãi bày với sư phụ Trí Duyên, sư phụ có thể giúp ông khai đạo.

Tiểu nhìn thấy ông chủ Dư do dự, sau đó hình như hạ quyết tâm, bộc bạch với sư phụ rằng ông đang gặp va vấp trong chuyện làm ăn, không biết phải giải quyết sao đây?

Sư phụ Trí Duyên quay đầu hỏi ông chủ Tần: Ở đây có bộ bài không? đem đến cho thầy một bộ.
Ông chủ Tần cảm thấy kỳ quái, không biết sư phụ Trí Duyên có ý gì, nhưng cũng bảo bồi bàn đem tới một bộ. Sư phụ Trí Duyên dùng tay trộn bài, sau đó lật úp những lá bài lại, trải ra trên bàn. Mọi người hết sức ngạc nhiên, không biết sư phụ tính làm gì. 54 lá bài không phải ít, trải đầy cả mặt bàn. Sư phụ cười hỏi, ông có biết con hai cơ nằm ở đâu không? Ông chủ Dư lắc đầu nói không biết. Sư phụ Trí Duyên đáp, ta biết nó nằm ở đâu. Thật là nằm ngoài dự đoán của chúng tôi. Lúc nãy sư phụ trải bài ra mặt bàn, không nhìn mặt lá bài, làm sao có thể biết vị trí của mỗi lá nằm ở đâu, lẽ nào sư phụ có kỹ xảo gì chăng? Sư phụ Trí Duyên lật một lá bài lên, không phải là lá hai cơ, mà là lá tám chuồn. Sư phụ cười, lại tiếp tục lật từng lá, đến lá thứ 20, chúng tôi mới nhìn thấy con hai cơ. Chợt Giới Sân hiểu ý của sư phụ Trí Duyên, mặc dù sư phụ không nói ra, chính sư phụ cũng không thể lần đầu tìm thấy lá hai cơ.

Có lúc chúng ta đi tìm đáp án, lại cho rằng chính mình sẽ không tìm ra, cuộc đời đâu có chuyện dễ dàng vừa tìm đã thấy đáp án? Chỉ lần lượt lật hết cái này đến cái khác mới có thể tìm thấy đáp án nằm bên dưới.

Hôm đó, ông chủ Dư như chợt bừng ngộ. Giới Sân cứ nhớ mãi khi rời khỏi quan trà Chiêu Phước, ông Tần hình như có vẻ không vui. Trên đường về chùa, Giới Ngạo chợt nói: Đúng rồi, thật ra ông chủ Dư gặp khó khăn là do ông chủ Chiêu Phước lấn ép. Ông chủ Chiêu Phước vốn muốn sư phụ Trí Duyên khuyên ông Dư bỏ nghề. Ai biết được, sư phụ Trí Duyên không những không khuyên ông bỏ nghề, mà còn khuyến khích động viên ông kiên nhẫn tiếp tục tìm những giải pháp hay hơn, hèn chi ông Tần có vẻ không vui!

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

 Sư phụ của chúng tôi nhận vài vị đệ tử tại gia, trong đó có vị gọi là Giới Yên (có nghĩa là cấm hút thuốc); pháp danh này là do người đó yêu cầu, lý do đơn giản là vị này muốn chính mình ngăn ngừa việc hút thuốc.

Họ tên chỉ là để phân biệt người này với người kia, cùng một tên gọi chưa chắc chỉ một người, tên gọi không giống
cũng chưa chắc là hai người. Người gọi Giới Yên, vẫn có thể ngăn ngừa tham, sân, si.

Giới Yên buôn bán bất động sản ở Thượng Hải, mỗi năm anh đều đến chùa vài lần. Vài năm gần đây, mỗi lần anh ấy ghé chùa đều cười thiệt tươi. Sư phụ Trí Duyên bảo chúng tôi, đó là hiệu quả của việc tu hành, sau khi tu hành lãnh ngộ, Phật pháp thâm nhập vào tâm linh, có thể khiến người tâm tình thư thái.

Ông chủ Tôn cho rằng anh Giới Yên vui như vậy vì giá đất gần đây tăng cao.

Hai tiểu sư đệ Giới Trần, Giới Si trong chùa rất thích anh Giới Yên. Mỗi lần anh ấy ghé thăm chùa đều mang rất nhiều thức ăn uống, cùng đồ chơi cho hai chú. Hai chú vừa nhìn thấy anh đến, liền tranh nhau đến lục cái túi xách. Sư phụ thường quở hai chú chẳng có lễ phép gì cả, nhưng anh không hề để ý, thường nhìn hai chú cười tươi, còn nói với hai chú đồ ăn để chỗ nào trong túi xách nữa.

Anh Giới Yên thích kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xảy ra trên thành thị, anh nói anh sống ở Thượng Hải, là thành phố rất lớn, lớn hơn Trấn Diểu gấp mười lần, huynh đệ chúng tôi không biết là thật hay giả. Con người thường phản ứng việc mình chưa biết bằng cảm giác mới lạ và nghi ngờ. Lúc đó, các sư đệ đều tập trung lại nghe anh kể, đều cảm thấy rất thích thú. Tiểu cùng các sư đệ đi qua nơi xa nhất chỉ là vài thị trấn gần bên, nhưng vẫn cảm thấy anh Giới Yên nói hơi quá. Trong các thị trấn gần đây, Trấn Diểu là lớn nhất, ở thị trấn này mà đi hết một vòng, nhanh nhất cũng hết nửa giờ đồng hồ. Thượng Hải có quá nhiều điều mới lạ, anh nói nếu có dịp sẽ dẫn chúng tôi đi, nhưng rất tiếc sư phụ chưa chắc là đã cho phép. Anh còn rất thích phong cảnh gần chùa Thiên Minh, nói sơn thủy ở đây đặc biệt khiến người động tâm, không khí trong lành, dù rằng đến mùa hè tháng Sáu, trong núi cũng rất mát mẻ, bầu trời cũng xanh trong. Lần đó, sư phụ cũng đứng một bên, nói với anh rằng, khi trở lại Thượng Hải nhớ ngẩng đầu lên nhìn, sau đó kể lại xem anh đã nhìn thấy được gì. Trải qua một thời gian, anh từ Thượng Hải điện thoại kể với chúng tôi, sau khi anh đến Thượng Hai, vâng lời sư phụ dạy, ngẩng đầu lên nhìn, mới phát hiện bầu trời ở đó cũng xanh trong.

Sư phụ bảo: Mỗi người chúng ta thật ra đều đang sống dưới trời xanh, nếu bạn không cảm nhận được, là vì bạn chưa ngẩng đầu lên nhìn, chứ không phải là bầu trời không có màu xanh.

(st - Quán Cháo Trắng)

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

   Chùa Thiên Minh chúng tôituy không phải là nơi có nhiều khách hành hương, song vẫn thường có người đếnviếng và thắp hương.
   Có cô Phật tử họ Lý, một năm đến chùa mấy lần, thành khẩn khấn nguyện trướctượng Phật, còn cúng tiền hương đèn. Cô đến nhiều lần, riết thành quen thuộc.Sư phụ cũng tiếp chuyện với cô thân hơn các Phật tử khác.Cô Phật tử này thắp hương xong hay đến chuyện vãn với sư phụ. Chúng tôi biếtchồng cô làm cán bộ trong thành thị, lúc còn trẻ làm công nhân viên chức, cuộcsống ổn định, vui vẻ.
   Giờ đây, do chồng cô làm cán bộ ngày càng to, bắt đầu có người ghen ghét, tìmcách hãm hại. Cách một thời gian lại có thư nặc danh gởi cho Bộ Thanh tra, kểnhiều việc không hay về ông, lời đồn đại không ngừng, thường thường có người lénxem xét cuộc sống riêng tư của họ. Cô Lý rất lo lắng, đến ngủ cũng không yênổn, lo cho chồng xảy ra việc không hay, nên cô hay đến chùa cầu nguyện. Tronglời khấn nguyện của cô, quan trọng nhất là cầu Phật phù hộ cho chồng.Cô kể chuyện với sư phụ, đến đoạn thương tâm thường rớt nước mắt. Cô hỏi sư phụTrí Duyên, nếu như có biện pháp nào hay để tiêu trừ ách nạn, như tổ chức phápsự hay trai đàn… dù khó khăn mấy cô cũng làm.

   Lần đó, sư phụ Trí Duyên bảo cô: “Chỉ cần thành tâm cầu Phật gia hộ, làm việc gìphải thanh bạch, thì hẳn nhiên không xảy ra chuyện gì”. Nghe câu trả lời của sưphụ, cô không hài lòng lắm, vẫn không thể an tâm, nên lâu lâu lại hỏi thăm sưphụ một lần. Sư phụ liền chỉ ra sân chùa, bảo: “Hãy cầu nguyện hào quang Phậtchiếu soi vào sân, rồi chiếu đến gia đình của cô”. Nghe vậy cô mới hài lòng, antâm trở về nhà.

   Một lúc sau, Giới Sân bước ra ngoài phòng, phát hiện ánh nắng chiếu vào sân tuyrất gắt, nhưng vẫn còn vài góc ánh mặt trời không cách nào chiếu tới được. Sưphụ dạy: “Nếu như muốn được ánh nắng mặt trời chiếu soi, phải đứng vào giữasân, nếu cứ trốn vào góc sân, thì Phật cũng không cách nào giúp được”.


(st - Quán Cháo Trắng)

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Sáng sớm, sư phụ Trí Duyên bảo Giới Sân đem phong thư đến cho sư phụ chùa Bảo Quang. Giới Sân vừa gật đầu nhận lời, chợt Giới Trần chen vào: “Sư phụ, để con đi cho”. Sư phụ cười ra tiếng, ghẹo Giới Trần: “Con đi, chỉ sợ giữa đường có ông kẹ bắt chạy đi”. Giới Trần hớt ngang: “Vậy cho con đi với sư huynh Giới Sân”. À, thì ra chú ta muốn đi ra ngoài chơi. Sư phụ Trí Duyên thấy dáng chú tội nghiệp nên đồng ý.

Giới Trần vui vẻ chạy về phòng, lát sau chạy ra
đã đeo thêm cái túi xách nhỏ sau lưng. Giới Sân không hiểu, hỏi: “Chú đeo túi nhỏ làm chi vậy?”. Giới Trần cười tít mắt: “Em sợ giữa đường huynh mua đồ ăn, cầm không hết, nên chủ động đem theo túi nhỏ này”. Giới Sân liền thò tay vào túi. Hôm qua sư phụ cho ít tiền lẻ, không chừng hôm nay sẽ sạch túi vì “quỷ nhỏ” này thôi. Giới Sân tôi bèn dắt Giới Trần đi nhanh đến chùa Bảo Quang. Giữa đường, “quỷ nhỏ” không ngừng dừng lại trước các tiệm bán đồ, nhìn đồ chơi, đồ ăn - những thứ đó ám thị Giới Trần quá đi, nhưng tôi giả bộ không nhìn thấy. Cuối cùng, không đành lòng, đến dưới chân núi chùa Bảo Quang, Giới Sân bèn mua cho chú một chai nước cam vắt. Gần chùa Bảo Quang có nhiều điểm du lịch, nên nhà cửa xây cất trên núi trông rất đẹp mắt, khách hành hương cũng nhiều hơn so với chùa Thiên Minh. Hôm đó đúng vào ngày nghỉ, người trên núi đông đảo, sợ Giới Trần lạc đường, tôi liền nắm chặt lấy tay chú. Chợt Giới Trần kéo tay áo, tôi quay đầu nhìn chú. Giới Trần nói nhỏ: “Sư huynh, có một bà già cứ theo sau lưng mình kia”.

Phía sau không xa, Giới Sân nhìn thấy một bà lão lam lũ, trên trán toàn nếp nhăn, còn đeo túi da rắn sau lưng, tay cầm nhiều vỏ chai không đang nhìn hai đứa. Bà ta cứ nhìn vào cái chai nước cam vắt mà Giới Trần uống chưa hết, tôi mới hiểu là bà ấy đợi Giới Trần uống xong là lấy vỏ chai.

Giới Sân tôi ra ý bảo Giới Trần mau uống hết để đưa vỏ chai cho bà lão, bà vui mừng vớ lấy.

Giới Trần hỏi: “Bà lão đó làm việc gì?”. Tôi nói: “Bà lấy vỏ chai đem bán kiếm tiền sống qua ngày”.

Giới Trần nửa hiểu nửa không, gật đầu rồi tiếp tục theo tôi lên núi. Chợt chú lại bảo: “Sư huynh, em khát”. Tôi cảm thấy kỳ quái, chú ta vừa mới uống xong lại khát. Chợt hiểu chú đang nghĩ gì, tôi liền chạy lại chỗ bán nước mua cho chú chai nước suối. Giới Trần căng bụng uống một hơi hết sạch. Tôi muốn vỗ vào bụng chú quá đi mất, nhưng lại sợ hắn ọc nước ra. Hôm đó trên núi Giới Trần lượm rất nhiều vỏ chai, cả hai chúng tôi đem cho bà lão nọ, bà vui mừng vô hạn. Lúc đó Giới Trần, với gương mặt nhễ nhại mồ hôi, cười tươi như hoa.

Cuộc đời vô thường, nhưng không phải ai ai cũng đầy đủ. Những vỏ chai không, có thể quăng bỏ đi, nhưng nó cũng có thể trở thành bữa cơm cho kẻ khác. Có ai biết, khi chìa tay ra, là tình yêu quanh ta…

(ST Quán cháo trắng)

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Tập tục ăn thôi nôi ở trấn Diểu đã có từ lâu đời. Cư dân của trấn Diểu mỗi gia đình chỉ có được một con, nên nghi thức ăn thôi nôi được họ tổ chức rất lớn. Lần nọ, một nữ thí chủ đến chùa Thiên Minh tổ chức nghi thức thôi nôi cho con trai. Khi trở về thị trấn, cô rất tự hào nói với mọi người rằng: chùa tổ chức lễ này rất linh nghiệm. Lời cô được truyền đi rất nhanh, các gia đình nghe được cũng muốn đến chùa làm lễ, sẵn tiện cầu an cho trẻ.

Thời gian đó, những em bé
tròn một tuổi, hầu như đều được cha mẹ đưa đến chùa Thiên Minh làm lễ. Nghi lễ này đối với cư dân ở đây vô cùng ý nghĩa. Đầu tiên, họ chuẩn bị sẵn các thứ bảo vật như: giấy, bút, phục trang, kinh sách (Phật - Lão - Khổng), đồ ăn, vàng bạc…, nếu là bé gái, có thể thêm kim chỉ, kéo, lược… để xem các bé sẽ bắt trúng thứ gì rồi tùy theo đó mà giải thích, như bé nào bắt trúng giấy bút, kinh sách, sau này nhất định sẽ học giỏi; bé bắt trúng đồ ăn, sau này sẽ không lo âu việc ăn mặc; bé bắt trúng kéo, kim chỉ, sau này sẽ rất khéo tay… Dù sao đi nữa, việc tổ chức lễ tròn tuổi cho bé thể hiện hy vọng của cha mẹ vào con cái mình.

Mới đầu, sư phụ khuyên các Phật tử không nhất định là ở chùa tổ chức lễ thì mới linh nghiệm theo như lời đồn, nhưng họ không để ý thiệt hơn, nhất định vào chùa làm lễ. Khuyên không được, sư phụ dặn dò chúng tôi xuống trấn mua vài lễ phẩm cho các bé bắt, như vậy cũng để bớt lãng phí cho các Phật tử.

Còn nhớ năm nọ, trấn Diểu đồng thời có ba hộ gia đình sanh em bé, đến khi tròn năm, họ đều muốn đến chùa làm lễ thôi nôi. Hôm làm lễ cho các bé, trong chùa hết sức náo nhiệt, các phòng dành cho bé bắt đồ vật chật ních những người là người. Ba đứa trẻ được cha mẹ để ngồi vào giường, trên giường bày rất nhiều đồ vật. Cha mẹ của các bé cười tươi như hoa, lại hồi hộp không biết là con mình bắt trúng thứ gì, hy vọng trẻ sẽ bắt những vật mà mình mong muốn.

Sau khi nghi thức bắt đồ vật bắt đầu, một bé bắt trúng trái táo, mọi người nói rằng bé này lớn lên sẽ không phải lo việc ăn mặc. Tuy cha mẹ bé không hài lòng lắm, nhưng cũng tạm chấp nhận. Bé khác nhặt một loại đồ điện khí, mọi người nói bé này thế nào lớn lên cũng sẽ là một cao thủ vi tính, cha mẹ bé mừng đến nỗi há hốc mồm. Bé còn lại trên giường bò tới bò lui, trước sau không chịu bắt vật gì, dù cha mẹ bé dụ dỗ bé hết vật này tới vật kia. Gia đình nọ rất buồn, lo cho bé lớn lên làm việc gì cũng không xong. Sư phụ Trí Duyên chỉ biết an ủi họ vài câu, rằng: “Đứa bé từ đầu đến cuối không chịu bắt gì cả, điều đó cũng có nghĩa là đứa bé sẽ có nhiều cơ hội để nắm bắt bất cứ vật gì”. Nghe vậy, cha mẹ bé an tâm ra về.

Chặp tối, khi đi ngủ, Giới Sân chợt nghĩ, tuy sư phụ Trí Duyên nói để an ủi người, thật ra cũng có tình có lý: Bàn tay cầm nắm của mỗi người luôn có hạn, muốn có được nhiều, nên học cách biết buông bỏ tất cả.
   Từng có một nữ Phật tử đến hỏi sư phụ Trí Duyên rằng: bao nhiêu năm nay cô cứ chờ đợi một người, cô không ngừng vì người đó mà cho đi, nhưng anh ta không biết, hoặc giả đò không biết, vậy cô nên làm gì để cho người đó biết, lại nên làm gì để người ta đừng im lặng nữa?
   Sư phụ suy nghĩ một chút, nói với nữ thí chủ: “Ở đây ta có loại giống, cần người trồng nó có đầy đủ sự cố gắng, nếu như hoa có thể nở rộ, thì nguyện vọng của cô sẽ thực hiện được”.
   Cô Phật tử rất hưng phấn, hỏi sư phụ làm sao có được giống hoa đó?
Sư phụ đáp: “Ta ở đây có vài hạt giống, chờ ngày mai đến chùa, ta cho cô một ít”. Cô Phật tử cám ơn rối rít, vui mừng xuống núi. Giới Sân đứng bên nghe có vẻ lạ, sư phụ Trí Duyên đúng là có nhiều đồ vật kỳ lạ hiếm thấy, nhưng những loại giống kia, tiểu chưa bao giờ nhìn thấy.

Ngày hôm sau, tiểu cứ lưu ý xem cô Phật tử có lại chùa hay không, mượn cớ đó để đi xem loại giống kỳ lạ của sư phụ. Cô Phật tử đến chùa rất sớm. Giới Sân hưng phấn cầm chổi theo sau cô vào chánh điện. Sư phụ Trí Duyên cầm cái bao giấy đưa cho cô Phật tử. Giới Sân cố nhìn, bao giấy bao rất cẩn thận, không nhìn thấy gì cả. Sư phụ nhìn tiểu cười, Giơi Sân ái ngại cúi đầu cầm chổi tiếp tục quét chùa.


Cô Phật tử hài lòng ra về. Tiểu đang quét, bỗng nhiên phát hiện dưới nền chùa có vài hạt giống, vội nhặt lên, chắc đây chính là loại giống mà sư phụ Trí Duyên đưa cho cô Phật tử lúc nãy bị rớt ra.

Giới Sân cẩn thận giữ hạt giống, lén trồng sau vườn. Mỗi ngày tiểu đều tưới nước, có điều là cuối cùng chẳng thấy cây nảy mầm. Cô Phật tử nọ thường đến tự viện, gặp sư phụ than vắn thở dài, đủ hiểu là cây hoa của cô cũng vậy. Ngày lại ngày qua, cuối cùng Giới Sân chịu không nổi, đưa tay bới đất lên, hạt giống vẫn còn, chỉ là không chịu nảy mầm, trái lại có phần hư thối. Cô Phật tử đến chùa chắc là không chơ nổi nữa nên hỏi sư phụ, tại sao sư phụ đưa cho cô loại hoa mà bất luận chăm sóc thế nào, đều không thể nảy mầm. Sư phụ Trí Duyên bảo, vì sư phụ đưa cho cô toàn là hạt đã nấu chín nên mới ra cớ sự.

Không phải cứ hễ một phần cày cấy là nhất định phải có một phần thu hoạch, giống như trồng hạt giống đã nấu chín, bất luận bạn đầu tư bao nhiêu tâm lực, kết cục là bạn vẫn không thu hoạch được gì. Phải chăng bạn cứ muốn chờ đợi phần kết quả không thể xảy ra? Không bằng hãy chọn lựa sự buông bỏ, những hạt giống mới đang chờ đợi bạn trồng vẫn còn nhiều lắm.

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

   Nhớ năm ngoái, có vị thí chủ quen biết với sư phụ Trí Duyên, nhờ sư phụ mua một hàng điêu khắc bằng tre trúc, kết quả là khi mua về rồi mà không thấy vị đó đến. Đồ vật đó chế tác rất tinh tế, Giới Sân sợ bỏ bên ngoài bị người nào đó hay Giới Ngôn vô ý đụng vào hư hỏng nên đem bỏ vào kho chứa đồ lặt vặt sau chùa.
   Mấy bữa trước, vị chủ nhân của hàng điêu khắc tre đến chùa thắp hương, sư phụ Trí Duyên liền bảo Giới Sân đem cái đó ra đưa cho thí chủ.

   Giới Sân đến kho chứa đồ, lại phát hiện đồ đạc trong đó ngã la liệt, không cách nào một mình
lấy hoa văn bằng tre đó ra được, nên đi tìm Giới Ngạo giúp một tay. Đi vòng chùa vẫn không thấy hắn đâu, hỏi Giới Trần, mới biết hắn đã ra trước cửa chùa. Giới Sân ra ngoài cổng, xa xa đã nhìn thấy Giới Ngạo đứng trên đường núi, hình như đang nhìn cái gì đó.

   Đến bên Giới Ngạo, chưa kịp gọi tên hắn, nhìn theo hướng Giới Ngạo, thật hết hồn, thì ra có cô gái đang ngồi trên hòn đá. Trong lòng chợt thấy hành vi của Giới Ngạo không đúng đắn, sư phụ Trí Hằng đã căn dặn, không được nhìn người nữ lâu quá, nhất là những thiếu nữ, như vậy rất thất lễ. Nhưng từ nãy giờ Giới Ngạo nhìn cô gái đó ít nhất là mấy phút rồi. Đưa tay kéo vạt áo Giới Ngạo, ra hiệu cho hắn đi vào, Giới Ngạo quay đầu lại nhìn Giới Sân, lại không có ý rời khỏi, nhè nhẹ chỉ cô gái đó cho Giới Sân xem. Nhìn kỹ cô đó, dáng vẫn còn trẻ không hơn 20 tuổi, cô hình như không chú ý đến chúng tôi, chỉ ngồi trên hòn đá, cúi đầu, trong tay lại cầm vật gì đó, miệng rù rì nho nhỏ, nghe không rõ đang nói cái gì. Trong lòng có chút tò mò, Giới Sân lấy hết can đảm, rảo đến trước Giới Ngạo. Thì ra cô gái đang cầm trong tay nhành hoa, miệng lại đọc thầm thầm, cách một chút lại ngắt một cánh hoa bỏ đi.

   Lắng nghe kỹ chút là cô ấy vừa ngắt một cánh hoa vừa nói một câu, lặp đi lặp lại “tha thứ”; “không tha thứ”. Trong phút chốc như hiểu ra, cô ấy đang giận ai, lấy hoa cứu giải, xem có thể tha thứ được người đó hay không. Đóa hoa đó có nhiều cánh, động tác cô gái ngắt cánh hoa rất chậm, nhưng bông hoa chỉ còn lại một phần ba.

   Giới Ngạo chợt hỏi: Cô gì đó ơi, cô đang làm gì vậy?

   Cô gái ngước đầu lên, kinh ngạc nhìn chúng tôi, dừng lại rồi do dự trả lời, tôi đang hỏi hoa để tìm ra câu trả lời. Giới Sân tự hỏi, chúng ta đem vận mệnh chính mình đặt để vào cánh hoa, có phải là quá qua loa? Cô gái nói với chúng tôi: Tôi từ xa tới đây, muốn hỏi sư phụ Trí Duyên một câu, ba tôi từng là một người xấu, lúc tôi còn nhỏ, ba đã bị bắt vào tù, vì cớ này mà tôi bị người kỳ thị. Cho đến gần đây ông được thả ra, xin mẹ và tôi tha thứ, tôi cảm thấy khó nghĩ quá. Tôi muốn hỏi sư phụ Trí Duyên, có nên tha thứ cho ông ta không, nhưng đến cổng chùa, chợt thấy chần chừ, quyết định dùng hình thức này để tìm câu trả lời. Giới Sân tạm thời trầm mặc, không biết nên nói làm sao. Giới Ngạo đột nhiên cắt ngang: Cô nè! Cô làm như thế để tìm đáp án là không chuẩn xác đâu, hay là tôi giúp cô niệm chú khai quang cho bông hoa đó, rồi cô lại tiếp tục.

   Tiểu cảm thấy kỳ lạ nhìn Giới Ngạo, không biết hắn đang nghĩ gì, Giới Ngạo đã đưa tay ra đón lấy bông hoa, sau đó bắt đầu lẫm nhẫm trong miện, một chút sau, trả lại hoa cho cô gái.

   Cô cầm hoa, tiếp tục đếm từng cánh từng cánh, cho đến cánh hoa cuối cùng rơi xuống, đúng vào câu “tha thứ”, cô mới vui vẻ cười tươi.

   Giới Sân nói: Nếu như lúc nãy cô vào chùa, sư phụ Trí Duyên chắc chắn là sẽ nói với cô, chúng ta cố chấp đem thù hận để trong tâm, kết quả mất đi thân tình, mất đi niềm hỷ duyệt. Buông bỏ càng nhiều, đạt được cũng nhiều như vậy. Cô gái cám ơn và tạm biệt chúng tôi. Giới Sân bảo Giới Ngạo vào chùa giúp một tay chuyển đồ đạc. Giới Ngạo chợt cười rúc rích ngay sau lưng Giới Sân. Tiểu quay đầu lại, Giới Ngạo xòe bàn tay ra, trong lòng bàn tay là một cánh hoa. Hắn nói, lúc nãy chẳng phải đệ niệm chú gì đâu, chỉ là lén đếm những cánh hoa thừa lại, nếu tiếp tục đếm sẽ là “không tha thứ”, nên đệ ngắt bớt đi một cánh. Hi hi.

   Giới Sân hơi kinh ngạc, nhưng không nhịn được cười. Vận mệnh không để cô gái đó gặp sư phụ Trí Duyên, mà phái “tiểu yêu” Giới Ngạo đến để ngắt bỏ cánh hoa phiền não cho cô, hóa ra mọi việc lại tốt đẹp.

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Lần nọ, một thí chủ còn trẻ đến chùa, dáng người không cao, lại hơi ốm, có vẻ dị tật, lúc đi quẹo qua quẹo lại; nhưng anh ta có biệt tài nói chuyện rất hay, thường bàn luận kinh điển với quý sư phụ trong chùa, thu hút cả Giới Sân và Giới Ngạo. Giới Sân nhịn không được lâu lâu nói chen vào vài câu, anh này liền chú ý và tìm vài vấn đề thảo luận với Giới Sân. Quan điểm của anh ta rất đặc biệt, mỗi câu nói đều rất hợp tình hợp lý. Giới Sân hỏi anh ta, có phải anh là cư sĩ tại gia không?

Anh ta lắc đầu, anh nói với tiểu,
thật ra anh chỉ mới hiểu Phật pháp một năm gần đây mà thôi.

Mọi người nghe anh nói rất ngạc nhiên, một năm lại hiểu Phật pháp thâm sâu như vậy, sức lãnh ngộ không phải tầm thường.

Anh nói anh không phải là thiên tài gì, anh học đại học khoa ngữ văn, thành tích chỉ trung bình.

Ra trường, anh làm việc cho một đơn vị quốc doanh trên thành thị, công việc khởi sự là kiểm soát và giám sát các xí nghiệp thực phẩm như tiệm cơm, cửa hàng ăn uống…

Cũng độ này năm ngoái, chính phủ yêu cầu đơn vị anh tiến hành kiểm soát vệ sinh phòng nấu các tiệm cơm lớn. Hôm đó, họ thông báo là sẽ đến kiểm soát một nhà hàng ăn uống rất quy mô.

Nhà hàng ăn uống đó tuy quy mô không nhỏ, nhưng phòng nấu ăn không vệ sinh lắm, nghe báo là có người đến kiểm tra, liền vội vàng chỉ đạo cho công nhân viên quét dọn sạch sẽ. Chỉ sau mấy chục phút, phòng nấu ăn rất sạch, dưới nền gạch trơn và sáng loáng. Do vì mới quét dọn xong, nên nền gạch trơn trợt, vị kiểm tra viên chính là anh vừa đến phòng ăn của nhà hàng, liền té mạnh xuống nền, chân bị gãy cốt, nằm bệnh viện điều trị rất lâu mới bình phục, qua thời gian dài anh vẫn không thể xuống giường đi lại được. Một người bạn đến thăm anh, sợ anh cô đơn, đem đến vài quyển sách Phật cho anh đọc. Anh mới đầu chỉ có chút thú vị, dù gì đi nữa cũng không thể làm việc gì khác, sẵn tiện nghiên cứu Phật học, ngờ đâu càng xem càng thích, càng có nhiều tâm đắc.

Sau một năm, anh đã có thể đi lại được bình thường, sự nhận thức về tri thức về Phật học cũng tích lũy được tương đối cao. Có thể trong trạng thái bình thường, anh chưa chắc có thời gian và sức tinh chuyên tĩnh tâm nghiên cứu Phật học, nhưng sự cố đã khiến anh có cơ hội tìm hiểu.

Từng có người tàn tật hỏi Giới Sân, nên đối diện với tình huống của mình như thế nào? Vậy thì Giới Sân muốn trả lời họ, có thể so với người bình thường họ làm việc không nhiều, nhưng do vậy mà có cơ hội để làm việc khác tốt hơn. Cuộc đời rất bình đẳng, khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác liền mở ra. Có sở đoản là có sở trường, điều chúng ta cần làm là tìm ra sở trường của chính mình để sống lạc quan hơn, vui hơn giữa cuộc đời này.

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Có thời gian, Giới Trần nội tâm trào dâng, chợt thích vẽ tranh. Lúc mới đầu, chỉ vẽ bằng bút màu trong chùa, vẽ nhiều nhất là cảnh vật, lư hương, mõ, chuông, cây cỏ…

Nhưng sở thích là một lẽ, thiên phú lại là lẽ khác. Giới Trần vẽ tính ra không giống lắm. Khách hành hương nhìn thấy Giới Trần bò trên đất vẽ nên tò mò hỏi, chú tiểu đang vẽ gì vậy? Giới Trần rất nhẫn nại giải thích cho họ nghe rằng hắn đang vẽ cảnh vật ở đâu đó, có khi khách cũng lịch sự khen vài câu, hắn liền vui không thể tả.

Bữa đó sinh nhật của Giới Trần,
nên hắn có yêu cầu nhỏ, cần một vài giấy và bút vẽ. Sư phụ Trí Huệ cảm thấy vẽ tranh cũng là một việc tốt, liền đồng ý yêu sách của hắn. Sư phụ còn đặc biệt xuống trấn, đến cửa tiệm mua một bộ bút nước màu, một xấp giấy trắng cho Giới Trần. Nhận được quà sinh nhật, Giới Trần mừng húm.

Sáng ngày hôm sau, khi kết thúc thời kinh sáng, Giới Trần cầm ra một trang giấy đã vẽ cho mọi người xem, nói là vẽ hôm qua. Lật trang giấy ra, thấy vẽ một người, Tăng chúng trong chùa kinh ngạc nói không ra lời, người trong tranh là Giới Sân, nói chung là thần thái và tướng tá giống đến 80%. Lần đầu, Giới Trần chính thức vẽ trên giấy, lại vẽ được hiệu quả như vậy. Quý sư phụ và huynh đệ không ngớt khen ngợi sức vẽ của hắn. Sư phụ Trí Huệ rất đắc ý, nghĩ Giới Trần đối với việc hội họa quả là có chút tài năng, còn nói, lần sau nếu như ông Hạ - ông hoạ sĩ dưới trấn - có đến chùa, sẽ bảo ông ta hướng dẫn thêm cho Giới Trần.

Không biết làm sao mà Giới Trần nghe mọi người khen ngợi lại không vui lắm, mọi người đang nói, hắn chợt quay đầu chạy đi. Quý huynh đệ đều cho rằng khen nhiều quá hắn mắc cỡ.

Lát sau, Giới Sân đi ngang phòng Giới Trần, nghe tiếng khóc lí nhí trong phòng, bèn đẩy cửa bước vào. Giới Trần đang nằm trên giường khóc thút thít, thấy Giới Sân vào phòng liền khóc nhiều hơn.

Giới Sân ngồi bên cạnh giường, không hiểu vì sao Giới Trần khóc, nên không biết làm sao mà an ủi hắn. Hắn đang khóc đó, chợt ngước lên hỏi Giới Sân một câu, sư huynh, huynh có nghĩ là em nên tiếp tục vẽ nữa không?

Thì ra hắn khóc là vì việc vẽ này. Giới Sân kéo hắn lên, thành tâm thành ý an ủi hắn, đệ vẽ rất là đẹp, huynh thấy đệ lúc sáng vẽ huynh giống như vậy, rõ ràng là đệ có tiềm năng, nếu có niềm tin chắc chắn đệ sẽ thành đạt. Giới Trần khóc to hơn, vừa khóc vừa nói, đệ vẽ sư phụ Trí Hằng chứ không phải vẽ huynh. Nghe xong, Giới Sân giật mình. Sư phụ Trí Hằng mập mạp, Giới Sân lại hơi ốm, nếu như hắn vẽ sư phụ Trí Hằng, vậy thì việc vẽ thật là khó thành rồi. Cũng không biết nói gì để an ủi Giới Trần, có cảm giác mình đang bắn bia này lại trúng bia kế bên. Giới Sân hết sức thông cảm, an ủi Giới Trần, vẽ quan trọng nhất là cái thần thái chứ không phải hình tướng, thật ra em vẽ thuộc về phái trừu tượng. Giới Trần cảm thấy được an ủi chút, từ từ không khóc nữa. Ngày kia, ông hoạ sĩ Hạ đến chùa, sư phụ nói việc vẽ của chú tiểu. Ông bảo, hay là cho chú vẽ những vật linh hoạt, có thể khiến trình độ vẽ của chú nâng cao một chút. Buổi tối, khi gần đi ngủ, Giới Sân nằm trên giường nghĩ ngợi, muốn đến vài cái ao lớn của Trấn Diểu, trong ao, cư dân nuôi nhiều vịt và ngỗng, lần sau có lẽ nên dẫn Giới Trần đến đó vẽ tranh.

Ngày nọ, Giới Sân nói với Giới Trần suy nghĩ hôm trước. Giới Trần vui vẻ chuẩn bị bút, giấy, giá vẽ, cùng Giới Sân xuống núi.

Dưới núi không xa là một cái ao sen rất lớn, có vài con vịt và ngỗng đang bơi trong ao.

Tiểu và Giới Trần ở dưới gốc cây bên ao, có gió thổi nhẹ trên ao, từng đợt sóng dập dờn, đong đưa trên nước. Thấy Giới Trần đang vẽ chăm chú từng nét, Giới Sân đang chuẩn bị khen, nhìn xem đệ vẽ những con vịt này đẹp thật. Chợt nhìn thấy hắn vẽ một con đang rụt cổ lại, thì ra là con ngỗng, nên không dám mở miệng, giống như lần trước lại khiến hắn bị tổn thương.

Thật kỳ lạ, không biết tại sao hầu hết những chú ngỗng lại tập trung đến trước mặt chúng tôi mà bơi. Giới Trần chợt nói, sư huynh nhìn xem, dưới ao có một cọng dây giăng ngang. Nhìn kỹ dưới mặt nước, Giới Trần thấy phía trước có một cọng dây kẽm giăng ngang ao, hầu hết các chú ngỗng bơi đến cạnh cọng dây, đều quay đầu bơi ngược lại, chỉ có một vài con rụt cổ bơi chui qua cọng dây.

Giới Trần nói, mấy con ngỗng tự do tự tại này gặp cọng dây đều phải rụt đầu rụt cổ.
Có lúc, cúi đầu là một cách duy nhất để vượt qua chướng ngại. Những chú ngỗng không chịu rụt đầu, không thể nào chui qua bên cọng kẽm; còn những con ngỗng chịu cúi đầu để vượt qua cọng kẽm lại thành công bơi trong ao nước mênh mông phía trước.

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Hậu viện phía sau chùa Thiên Minh có một gian phòng chứa đồ cũ, những vật cũ ít dùng đều thường không đành lòng bỏ đi đều được cất vào trong đó. Cái mõ cũ hư, nghĩ hôm nào sẽ sửa lại dùng, nên cũng bỏ vào gian phòng; cái bàn hư hết một chân, lại nghĩ rằng trên đó có nhiều hồi ức, biết rõ là sau này sẽ không dùng được, cũng cứ bỏ vào gian nhà đó; khung hoa văn bị gãy làm hai, cũng nghĩ rằng nó đẹp, không có lý nào để giữ lại, cũng không lý nào bỏ đi, nên cũng bỏ vào đó. Đồ đạc càng lúc càng nhiêu, có khi muốn dùng lại vật cũ, cũng không dễ vào lấy ra, nhưng bỏ đi thì không đành.

Sợ thời tiết mùa mưa làm ẩm ướt đồ đạc cũ, nên chúng tôi quyết định
đặt vào trong gian nhà đó một cái kệ, kệ phân thành bốn tầng. Lúc đầu, chúng tôi đem vật nhỏ để lên tầng trên, sau đó đồ đạc nhiều quá, nên cứ vứt lung tung.

Ngày nọ, đồ đạc nhiều quá khiến cái kệ sập ngã, trong gian nhà cũ đồ đạc đổ sấp thành đống. Quý sư phụ quyết định dứt khoát là phải dọn dẹp lại gian phòng đó. Những đồ đạc cũ được đem ra sân chùa chất thành đống, nhưng rốt cuộc ít có cái nào còn dùng được; những thứ còn dùng được chỉ chiếm khoảng 1/10, hầu hết đều là rác rưởi. Để tổng vệ sinh các phần rác rưởi, quý sư phụ cho gọi xe đến chở đem đi xử lý, một chuyến xe chở không hết. Quý huynh đệ mất cả ngày, các thứ rác rưởi đó mới được thanh lý xong. Căn phòng cũ giờ đã trống trơn, cái kệ mới được thay vao đó, nhìn rất vừa mắt.

Chúng ta luôn luôn tìm lý do để bào chữa cho những khuyết điểm của mình mà không chịu vứt đi. Vậy nên căn phòng trong tâm thức của ta luôn luôn chất đầy những thứ rác rưởi; những thứ rác đó không còn dùng được nữa, chất đầy đến nỗi che kín cả ưu điểm của chúng ta. Đợi đến lúc cái kệ gỗ sụp đổ, chúng ta mới chịu thanh lý; cũng như đợi tâm thức chúng ta chật chội đến nghẹt thở, chúng ta mới chịu buông bỏ, không bằng luôn dọn dẹp vứt bỏ mỗi ngày, như vậy có tiện hơn không?