Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012




Tỳ kheo Na Tiên



Chúng ta có được bình yên không? Tâm chúng ta có được hạnh phúc an lạc không? Nếu không thì chúng ta hãy đưa tâm trở về với bình yên. Thế nào là bình yên? Tâm bình yên là tâm không bị căng thẳng, lo sợ hay buồn khổ bức bách. Tâm bình yên là tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng, mát mẻ, an vui. Khi bình yên thì chúng ta không bị đốt cháy vì lửa ái dục, sân hận hoặc sầu bi. Chúng ta cần đưa tâm trở về với bình yên. Ðó là trạng thái tỉnh lặng, nhẹ nhàng của tâm. Ðức Phật được bình yên vì Ngài đã được hoàn toàn thanh tịnh. Tâm Ngài mát mẻ an vui vì đã giải thoát ra khỏi mọi phiền não ô nhiễm. Là người con Phật, chúng ta cần phải sống theo cách hướng dẫn của Ngài, đó là có thực hành bố thí, trì giới và tham thiền để được hạnh phúc bình yên.
Trở về với bình yên, không phải là chúng ta sống một cách thụ động, bạc nhược. Không phải chúng ta vì sợ hãi mà tránh né cuộc đời. Chúng ta đưa tâm trở về với bình yên bởi vì chúng ta hiểu rằng, con tâm vọng động bất an, con tâm bị co thắt hay nóng bỏng vì phiền não, là con tâm đau khổ. Cái tâm ấy rất đau khổ, đau khổ nhiều, bởi vì trên đời này không có cái khổ nào mà to lớn và sâu thẳm, nóng cháy và dễ sợ bằng cái khổ tâm. Chúng ta hãy nghe câu Kinh Pháp Cú Ðức Phật dạy:
Lửa tham ghê lắm ai ơi!
Hận sân cũng vậy, đốt người, đốt ta!
Lưới nào bằng lưới si mê,
Sông nào sánh được ái hà sông sâu?
(Kinh Pháp Cú, câu 251)
Vậy, chúng ta hãy làm cho tâm mát mẻ bình yên trở lại. Bằng cách tập làm cho tâm được an tịnh tỉnh lặng. Chúng ta đã đau khổ quá nhiều. Bây giờ chúng ta hãy sống. Sống với tỉnh thức, với hạnh phúc và bình yên.
Tuy nhiên, muốn được an tịnh tỉnh lặng, chúng ta cần phải cẩn thận suy xét xem những việc làm và lời nói của mình có đưa lại sự bình an cho tâm không. Chẳng hạn, trước khi đi đánh bài ở casino, chúng ta cần xét xem đi chơi như vậy có đem lại bình an cho tâm không, hay sẽ đưa tâm vào trạng thái tham lam, sân hận và si mê? Hoặc nếu chúng ta thích nói chuyện nhiều - và thích nghe nhiều - thì những điều mà chúng ta nói và nghe ấy có đem lại sự bình an trong sạch cho tâm không, hay càng nói càng nghe thì tâm càng dao động bất an? Tâm bất an dao động là tâm không sáng suốt. Tâm không sáng suốt sẽ đưa đến lời nói và việc làm không sáng suốt. Và như vậy thì sự đau khổ sẽ càng tăng. Vậy là chúng ta đang tự nhảy vào hầm lửa tội lỗi của đau khổ tham sân si. Ðức Phật dạy:
Con đường phóng dật nguy nan!
Con đường tỉnh thức: vinh quang đời đời.
Buông lung là kẻ chết rồi.
Pháp mầu bất tử đợi người cần chuyên.
(Kinh Pháp Cú, câu 21)
Khi thất niệm là chúng ta để cho ô nhiễm phiền não làm chủ tâm mình. Những lúc ấy, chúng ta còn tệ hơn là đã chết, vì chúng ta mặc dù đang "sống" nhưng lại tự hành hạ lấy mình. Với ô nhiễm đang bốc lửa trong tâm, chúng ta hướng ngoại, thích nghe - thích nói - thích làm những điều không an tịnh, để tạo nghiệp bất thiện bằng khẩu, bằng thân hay bằng ý rồi phải gặt hái đau khổ về sau.
Các pháp do Ý dẫn đầu
Ý chủ, Ý tạo bắt cầu đưa duyên.
Nói, làm với ý chẳng hiền
Bánh xe, bò kéo khổ liền theo sau!
Các pháp do Ý dẫn đầu
Ý chủ, Ý tạo bắt cầu đưa duyên.
Nói, làm với ý tốt hiền,
Như hình dọi bóng, vui liền theo sau!
(Kinh Pháp Cú, câu 1-2)
Là con Phật, chúng ta phải sáng suốt biết cách sống an vui và ngưng hành hạ lấy mình. Chúng ta có thể ngưng đốt cháy mình. Bằng cách đưa tâm trở về với bình yên.
Trở về với bình yên có nghĩa là trở về với nguồn sống tâm linh. Chúng ta sẽ thắp sáng tâm mình bằng chánh niệm và trí tuệ, tắm mát tâm mình bằng hỉ lạc, làm nhẹ tâm mình bằng thư thái và cụ thể là tâm định, sẽ làm chúng ta rất hạnh phúc, bình yên.
Nhưng trước hết, muốn trở về với bình yên, chúng ta cần thấy rõ những điều bất toàn và đau khổ của thế gian mà chúng ta đã nhiều lần phải trải qua. Ồ, thế gian này là bất toàn! Thế gian này là như vậy đó. Song song với những hạnh phúc nhỏ nhoi là sự phiền muộn sâu dày! Chúng ta không bi quan đâu! Chúng ta chỉ can đảm nhìn nhận sự thật đó thôi.
Kinh nghiệm quá nhiều sự bất toàn và thay đổi của cuộc đời, những hạnh phúc tầm thường và não phiền dai dẳng, khi nhìn lại, chúng ta thấy một kiếp nhân sinh chẳng có gì ngoài tấm thân tàn tạ và con tâm mang đầy những lằn sẹo đau thương.
Nhìn kia! thể xác mê hồn
Một đống thịt thối, một hòm đớn đau!
Bận tâm tính chuyện đâu đâu
Có chi bền vững mà cầu trường sanh?
Thân này sẽ bị suy già
Thường hay tật bệnh, lại hòa uế nhơ.
Mỏng manh mạng sống từng giờ
Tử thần bên cửa, đợi chờ mang đi.
(Kinh Pháp Cú, câu 147-148)
Chỉ khi nào thấy rõ những điều bất toàn ấy, chúng ta mới quyết định làm một cái gì đó để thay đổi nó đi. Chúng ta sẽ có khả năng từ chối, thường thì mới đầu, chúng ta chỉ từ chối tạm thời, từ chối những hạnh phúc nhỏ nhoi của thế gian để đổi lấy cái hạnh phúc vĩ đại, sâu dày hơn. Chúng ta sẽ từ chối nghe và thấy những gì bất thiện bên ngoài. Chúng ta sẽ chọn bạn mà chơi. Sẽ chọn bạn mà nghe. Chúng ta sẽ đến với những gì bình an thanh tịnh. Nếu khước từ ô uế và đến với bình an thanh tịnh thì chúng ta sẽ được thanh tịnh bình an. Và sự hạnh phúc vĩ đại, sâu dày ấy chỉ được tìm thấy ở tâm định tỉnh, an lạc, và trí tuệ sáng suốt trong thiền.
Khéo thay! tu tập giác chi!
Lành thay! chánh hạnh, nhiếp trì bền tâm.
Người không ô nhiễm dục trần
Sống đời sáng chói, Niết-bàn ở đây.
(Kinh Pháp Cú, câu 89)
Vậy là chúng ta hành thiền. Có nghĩa là chúng ta sống với bình yên. Bằng cách đưa tâm trở về với thân. Tâm nằm trong thân, tâm an trú tỉnh lặng nơi thân. Lắng tâm theo dõi, nhìn vào tiến trình chuyển động của hơi thở, tâm chúng ta nằm yên, chìm sâu vào nơi đó. Tâm chúng ta được định tỉnh, cảm giác mát mẻ, hỉ lạc, thư thái, nhẹ nhàng, bình yên thấm nhuận toàn thân tâm. Chúng ta cảm nghe thật nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc cao thượng của thiền định. Và đây chỉ là mới bắt đầu. Trong kinh điển Pali, Ðức Phật gọi lối thực hành quán niệm này là Niệm Thân (Kayanupassana-satipatthana), một cách niệm để đem lại hạnh phúc và trí tuệ của pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ.
Khi để tâm nằm yên chánh niệm nơi thân thì chúng ta sẽ được an lạc hạnh phúc. Tâm chánh niệm định tỉnh là tâm an lạc hạnh phúc. Ðó là điều tự nhiên. Sống được 30 phút như vậy thì thật là đáng sống. Sống được một giờ, hay một ngày như vậy, thì thật là giá trị. Bởi vì chúng ta đang sống với hạnh phúc cao thượng, hạnh phúc hoàn toàn.
Thiền thất Quán Minh là một nơi để các bạn đạo cùng đến để hành thiền hầu đem sự bình yên, hạnh phúc về cho nội tâm. Chúng tôi mến chúc quí độc giả và đạo hữu luôn được hạnh phúc an vui trên đường đạo.
Trăm năm sống có ích gì
Buông lung, phóng dật, ác tri, ác tà!
Một ngày trong cõi người ta
Giới định, thiền tuệ - thật là tốt hơn.
(Kinh Pháp Cú, câu 110)


Bình Anson


"Mùa mưa ta ở đây..." (Pháp Cú, 286)
Ðó là lời của Ðức Phật dạy cho ông Ðại Phú (Mahadhana), một vị thương gia, khi Ngài ngụ tại tinh xá Kỳ Viên.
Một ngày nọ, vị thương gia nầy dùng 500 xe bò, chất đầy vải vóc với nhiều màu nhuộm tươi đẹp, lên đường từ thành Ba-ra-na-si đến các vùng xa để buôn bán. Khi đến thành Xá-vệ, ông ta gặp một sông lớn. Ông suy nghĩ: "Ngày mai ta sẽ qua sông", rồi dừng xe lại, cởi ách cho các con bò, và nghỉ qua đêm tại bờ sông. Trong đêm đó, một trận bão kéo đến với mưa tầm tả cả đêm. Qua bảy ngày kế tiếp, nước sông dâng cao, tạo lụt lớn, và người dân trong vùng đều phải đình chỉ mọi sự buôn bán, đi lại. Kết quả là vị thương gia đó không thể bán các kiện hàng vải của ông. Vì thế, ông ta nghĩ rằng: "Ta đã trải qua một quảng đường dài, nếu ta quay về thì lại bị trễ nải. Chi bằng ta cứ ở đây qua mùa mưa, qua mùa xuân và mùa hạ, tiếp tục các công việc giao dịch và cố gắng bán cho hết các loại hàng nầy..."
Khi Ðức Phật đi trì bình trong thành phố, Ngài biết được ý định của vị thương gia đó và Ngài mỉm cười. Thấy thế, Ðại đức A-Nan hỏi Phật vì sao Ngài cười. Ðức Thế Tôn đáp: "Này A-Nan, thầy có biết ông Ðại Phú đó không?"
"Dạ có, bạch Thế Tôn."
"Không biết rằng mạng sống của mình đã gần hết, ông ta vừa quyết định sẽ ở lại đây cả năm để bán hết các kiện hàng của ông ấy."
"Thật vậy sao, bạch Thế Tôn?"
"Ðúng thế, này A-Nan. Ông ta chỉ sống thêm được bảy ngày nữa, và nếu không khéo, ông ta sẽ bị các loài cá ăn thịt." Nói xong, Thế Tôn thốt lên bài kệ:
"Hãy tinh tấn thi hành
việc cần làm hôm nay.
Có ai biết chắc chắn
cái chết đến lúc nào?
Có ai chống lại được
mệnh lệnh của thần Chết?
An lạc thay cho người
ngày và đêm tinh tấn
sống tỉnh giác từng ngày!"
"Bạch Thế Tôn, con sẽ đến nói cho ông ấy biết," ngài A-Nan thưa với Phật.
"A-Nan, thầy cứ việc đi," Ðức Phật đáp.
Ðại đức A-Nan đi khất thực đến nơi ông Ðại Phú trú ngụ với đoàn xe buôn của ông. Ông ta kính cẩn dâng vật thực đến ngài. Sau đó, Ðại đức nói với vị thương gia: "Ông định ngụ lại đây trong bao lâu?"
"Bạch Ðại đức, con đã trải qua một quảng đường dài, nếu con quay về thì lại bị trễ nải. Cho nên con sẽ ở đây trọn năm, cho đến khi nào bán hết vải thì con mới ra đi."
"Này quý cư sĩ, mặc dù mạng sống đã gần hết mà ít ai lại biết được! Ông nên tinh tấn!"
"Bạch Ðại đức, tại sao thế? Có phải đời sống của con đã gần mãn?"
"Ðúng vậy, quý cư sĩ. Mạng sống của ông chỉ kéo dài bảy ngày nữa thôi."
Ông Ðại Phú rất bàng hoàng và xúc động. Sau khi bình tâm trở lại, ông thỉnh mời Ðức Phật và Tăng đoàn đến nơi ông ngụ để thọ trai. Trong bảy ngày kế tiếp, ông cúng dường vật thực đến chư Tăng, và trong ngày thứ bảy, ông xin phép được rửa bát của Phật và xin Phật chúc phúc. Trong khi chúc phúc, Ðức Thế Tôn giảng thêm:
"Này quý vị tu sĩ và cư sĩ, một người hiền trí không bao giờ nên nghĩ rằng: 'Tôi sẽ ở lại đây trong suốt mùa mưa. Tôi sẽ làm việc này, việc kia.' Trái lại, người ấy lúc nào cũng nên sống tỉnh giác từng giây khắc và luôn luôn quán chiếu về cái chết của mình như thể mình chỉ sống thêm được một đêm nữa thôi." Sau đó, Ngài thốt lên các câu kệ dưới đây, về sau được ghi lại trong kinh Pháp Cú (kệ 286-289):
Mùa mưa ta ở đây,
đông, hạ cũng ở đây,
người ngu tâm tưởng vậy,
không tự giác hiểm nguy. (PC 286)

Người tâm ý đắm say
con cái và súc vật,
tử thần bắt người ấy,
như lụt trôi hàng ngủ. (PC 287)

Một khi tử thần đến,
không có con che chở,
không cha, không bà con,
không thân thích che chở. (PC 288)

Biết rõ ý nghĩa này,
bậc trí lo trì giới,
mau lẹ làm thanh tịnh,
con đường đến Niết-Bàn. (PC 289)
Sau khi nghe xong bài giảng, vị thương gia tỉnh ngộ, thành tâm xin quy y Tam Bảo và đắc quả Dự lưu, các tu sĩ trong đoàn cũng đạt được thắng trí.
Sau đó, ông Ðại Phú đưa tiễn Ðức Phật về tinh xá. Khi quay trở lại nơi trú ngụ của mình, ông nói: "Tôi cảm thấy nhức đầu, thân thể mệt mỏi!", và nằm xuống giường để nghỉ. Vừa nằm xuống thì ông chết, và được tái sinh vào cõi trời Ðâu-suất.
                                Liễu Pháp

Ðã khá lâu chúng ta ít biên thư cho nhau, có lẽ cũng vì bận bịu gì đó mà cũng có thể một lý do gì khác, chẳng hạn nghĩ rằng những gì mình viết cho nhau từ bấy lâu nay rồi cũng qua đi trong quên lãng, chẳng có gì tồn tại lâu và cũng chẳng ích lợi gì mấy. Thực sự, thăm hỏi sức khoẻ của nhau hoặc được biết những gì đang xảy ra trong đời sống thì cũng tốt vì thăm hỏi ân cần thì cảm thấy ấm lòng nhất là khi ở xa, ít có dịp hàn huyên. Tuy vậy hỏi và trả lời những chuyện này mãi thì cũng sẽ hết chuyện thôi ... Từ nay chúng ta thử thỉnh thoảng suy nghĩ rồi viết cho nhau về một đề tài nào đó, biết đâu nhờ vậy mình có dịp suy tư nhiều hơn hay sâu hơn về một đề tài mà mình chưa có dịp dành thì giờ để suy nghĩ.

Ðề tài thì chẳng thiếu gì, chẳng hạn vấn đề gia đình, vấn đề con cháu, vấn đề hạnh phúc hay đau khổ, vấn đề bản thân, vấn đề văn hóa, vấn đề cuộc sống, vật chất và tâm linh, vấn đề tu học...Mình viết cho nhau, giữa bạn bè thân quen, ghi lên giấy những cảm nghĩ đến trong tâm như những nét tạp ghi, không cần sắp xếp cẩn thận, chỉ để chia xẻ, trao đổi và để cùng suy nghĩ với nhau. Khoảng chừng 20 năm trước, trong một buổi vấn đạo, một thiền sư khuyên mình hãy về tìm bạn mà cùng tu học; có lẽ đây phần nào cũng cùng một ý hướng như vậy.
Lần này chúng ta hãy thử suy nghĩ và thảo luận về sự phát triển trí tuệ. Sự phát triển trí tuệ ai cũng thấy rất là cần thiết cho mọi hành xử hằng ngày, từ những sự chọn lựa thông thường cho đến những quyết định quan trọng trong đời sống; đó là chưa nói tới những bước ngoặc (turning points) trong cuộc đời khi mà một quyết định có thể thay đổi hẳn một lối sống hay có thể chuyển nghiệp và làm thay đổi kiếp sống này và ảnh hưởng các kiếp sau... Sự chọn lựa hay quyết định thường phải có ở những ngã tư đường, khi mình đang ở vào một vị thế, một hoàn cảnh hay một tình huống mà mình phải chọn lựa, như là khi đi đến một ngã tư, phải quyết định đi thẳng, quẹo phải hoặc quẹo trái hoặc dừng lại. Thường thì sau khi hoàn thành một giai đoạn nào đó của cuộc sống, phải có sự chọn lựa cho một giai đoạn khác; đôi khi vì một biến cố, một hoàn cảnh thay đổi hay một sự giác ngộ, ta quyết định một sự thay đổi...Nhiều khi ta đang đi qua một ngã tư mà không hay biết, cứ cắm đầu đi thẳng, dường như không thấy hai lối rẻ phải hoặc rẻ trái, mãi lâu về sau mới nhận ra được ngã tư đã đi qua, sau khi bình tâm, phản tĩnh hoặc khi trí tuệ mình được phát triển hơn...

Ngã tư đường thì chắc chắn là không ít trong đời sống của chúng ta. Những ngã tư đường thông thường ai cũng có, như khi lớn lên chọn một ngành để học, chọn một nghề để sinh sống, chọn một nơi để sống, chọn một bạn đời, v.v.. Có những ngã tư đường khác đặc biệt hơn mà không hẳn ai cũng có, ví dụ như khi gặp được nhân duyên nào đó, phát triển được trí tuệ hơn trước hoặc đạt được một giác ngộ, có người đă thay đổi hẳn đời sống của mình, không tiếp tục đi thẳng mà quyết định rẻ trái hoặc rẻ phải theo trí tuệ hướng dẫn vào thời điểm đó. Ví dụ một việc gì đó mới xẩy ra trong đời sống của một người, chứng kiến một biến cố hoặc nhận chân một sự đổi thay, đã làm người đó mở mắt ra, làm người đó tỉnh ngộ, thấy đời quả không như mình tưởng; chẳng hạn nhận thấy đời quả là vô thường, chẳng có gì tồn tại lâu dài hoặc thấy nhiều sự việc xảy ra mình chẳng kiểm soát hay điều khiển được gì hoặc thấy sự vật, hiện tượng nào tuy cũng có những đặc tính riêng nhưng không đứng riêng lẽ được mà phải tùy thuộc vào những điều kiện, những yếu tố mình không thấu hiểu được... Suy tư thêm một chút, người đó nhận thấy bấy lâu nay, qua nhiều năm tháng, mình đã bỏ hầu hết thời giờ chạy theo công việc, chạy theo vật chất, tiền bạc, ái dục hoặc địa vị, danh vọng, nghĩ rằng phải dành hết thì giờ như vậy để xây dựng cho một tương lai nào đó cho mình hoặc gia đình mình; nay thì thấy sự suy nghĩ này đã bắt đầu lung lay, cái tương lai dự tưởng đó không hẳn tùy thuộc vào mình mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác... Có người trong chúng ta nhiều năm đeo đuổi một lý tưởng, một mục đích nào đó, nay sự biến đổi của thời cuộc làm cho người đó vở lẽ, nhận chân được sự không tưởng, sự vô nghĩa của những gì mình đã theo đuổi... Từ đó, người này không còn chỉ biết chạy theo công việc hoặc lý tưởng mà bắt đầu để tâm tìm hiểu hơn về đời sống, về con người, đọc sách về triết lý, tìm hiểu tôn giáo. Có người bỏ nhiều thì giờ khảo cứu về một hệ thống triết lý, nghiên cứu một hệ thống tâm lý học nào đó; có người để tâm tìm thầy, tìm bạn để học đạo, tìm giải đáp cho nhiều thắc mắc về cuộc đời... Ðặc biệt trong đời sống, thắc mắc về sự đau khổ và hạnh phúc có thể là vấn đề hàng đầu, hạnh phúc thì thường không trọn vẹn và chẳng tồn tại lâu dài, đau khổ thì dường như không thể tránh khỏi, đầy rẫy, không kể xiết... và dường như ai cũng có. Nhìn chung quanh và khắp nơi, đau khổ tràn đầy. Phần lớn là do người gây cho người. Tìm hiểu về tù đày ở nước mình chỉ trong khoảng 50 mươi năm trở lại, không thể hiểu nỗi tại sao con người lại có thể tạo cho nhau những đau khổ khốn cùng như vậy. Còn thấy đâu là lương tri, là tình cảm; sân hận phải ngập trời mới che mờ tất cả trí tuệ, chỉ còn lại si mê. Si mê chúng ta thấy hằng ngày trên thế giới, si mê đến độ không còn kể tính mạng của mình, ôm bom để giết chính mình và một số người cho là thù địch, không kể đàn bà trẻ con, không kể một người hay hằng ngàn người (9/11/01 tại Mỹ); rồi hằng ngàn tấn bom lại cũng do sự sân hận đổ xuống một đất nước nghèo khổ vừa mới trải qua một cuộc chiến tranh tổn hại. Ðã có được bao nhiêu người thâu nhận được "thông điệp cho toàn thế giới" của Tỳ Kheo Bodhi (BPS Newsletter, No 34, 1996) về sự tự tìm hiểu và chuyển hóa chính mình? Xưa nay đã có một ý thức hệ nào, một triết lý, một tôn giáo nào ngoài Phật Pháp đem lại sự giải quyết rốt ráo về vấn đề đau khổ của nhân loại?

Nhận chân nhiều đau khổ trong cuộc đời, cố tìm nguyên nhân để giải quyết, có thể nói là một trong những ngã tư đường khởi đầu nhưng rất là quan trọng. Các ngã tư đường cũng như các nhân duyên đưa đẩy trong cuộc sống, có lẽ chẳng có nhân duyên nào là nhân duyên nhỏ hay vô cớ; nhân duyên như các khoan nối liền dây xích, có khoan thì nhỏ hơn các khoan khác, nhưng không có khoan này thì không thể nối liền và không đến được các khoan khác được...Một nhân duyên nhỏ đôi khi mình tưởng là không đáng để ý, nhưng mà hãy coi chừng, đôi khi nó có thể mang lại cho mình một kinh nghiệm, một sự thức tỉnh hay giác ngộ quí hoá. Một ví dụ: Gần đây, bà xã mình tình cờ nói một đôi chuyện tuy thông thường mà làm mình suy nghĩ. Hằng tuần bà và con gái út tình nguyện đi đưa cơm cho các người cần được giúp đở (trong chương trình Meals On Wheels - đưa cơm cho người già hoặc bệnh) và lâu ngày rất quen biết, gần gủi một số người này; bà thường hay mua vài món quà nhỏ tặng họ, nhất là mấy người già không con cái hoặc con cháu ở xa ít thăm viếng. Hỏi tại sao thích cho quà như vậy thì được trả lời "thấy họ thường buồn bã, làm họ vui lên một chút thì cũng bớt khổ..."  Một hôm, bà đi mua mấy món quà mang theo trong xe và đi đưa thức ăn, nhưng khi trở về thì coi bộ không vui; hỏi ra thì một người quen đã vào bệnh viện và một người khác không còn nữa; bà nói: "mới còn đó tuần trước mà nay đi rồi, quả là vô thường"...Bà thường hay gọi điện thoại nói chuyện với mấy người cô đơn này, hay đúng hơn là để nghe họ kể lễ tâm sự; nói rằng "biết lắng nghe cũng làm nhẹ bớt đau khổ". Ðây chính là ý nghĩa của chữ "Từ Bi". (Mình đã học chữ này bao nhiêu năm mà nghĩ lại đã có mấy lần áp dụng? Hằng ngày trong lúc thiền tập, mình đều có quán tâm từ, nhưng trong đời sống đã làm được những gì cụ thể về phương diện này? Xét lại bản thân, mình đã ít chú trọng về hạnh Bố Thí, ít hành hạnh Nhẫn Nhục, như vậy là mình đã thiếu sót trong việc hành Lục Ðộ). Từ khi dời về sống ở một tiểu bang không có chùa chiền ở gần, mình nghĩ bà phải nhớ nhiều về ngôi chùa đẹp đẽ gần nhà ở Minnesota, nơi bà thường đến lễ Phật và cúng Phật; mình hỏi bà có nhớ đi chùa cúng Phật không thì được trả lời: "nhớ đi chùa lạy Phật thì có, còn ở đây bố thí, cúng dường chúng sanh, thì khác chi cúng Phật" (Làm dịu bớt nỗi khổ con người, cúng dường chúng sanh không khác gì cúng Phật, thật là chí lý). Một câu nói thông thường, một sự việc xãy ra hằng ngày cũng có thể giúp ta phản tỉnh, cảm nhận thành một kinh nghiệm, một giác ngộ, như một khoan nhỏ của chuổi dài nhân duyên trong tiến trình giác ngộ...
Mình nhớ hồi mới lớn còn ở bậc trung học, đã nhiều lần đi lên đồi cao, hòa mình với cảnh thiên nhiên, nhìn xuống thành phố Huế xinh đẹp với dòng sông Hương quen thuộc, không khỏi ngông cuồng mơ mộng lấp biễn vá trời...(Tuổi trẻ thì thường mơ mộng ngông cuồng, muốn trị quốc, bình thiên hạ, nhưng khổ nỗi là không nghĩ đến là phải tu thân trước khi muốn tề gia hay bình thiên hạ!).. Rồi hết bậc trung học, phải chọn ngành vào đại học, không biết phải chọn ngành gì, thử đi vào Toán Lý Hoá, rồi Toán Ðại Cương rồi Cao Ðẳng Sư Phạm, cuối cùng lại ra trường ngành Ðiện (một ngành ít khi nghĩ tới mấy năm trước đó, nhưng ngành gì, nghề gì sau này mới hiểu cũng chỉ là để mà sinh sống mà thôi, miễn là không phạm tới Chánh Mạng và Chánh Nghiệp..), nhưng trong thâm tâm bao nhiêu năm vẫn thích học Triết và mơ được học ở trường Sorbone bên Pháp (!). Biết rằng cơ hội xuất ngoại sẽ rất khó đến, tuy nhiên vẫn hy vọng "ngày nào đó cơ hội sẽ đến" và tự nhủ "tại sao lại không bắt đầu đọc Albert Camus, Jean Paul Sartre, Simone De Beauvoir...?". Nghĩ lại, thấy cũng không có gì lạ, cái triết lý hiện sinh, "Kẻ Xa Lạ" của Albert Camus đã đem lại sự mới lạ cho nhiều người chịu ảnh hưởng của văn hoá đông phương (chịu ảnh hưởng của Khổng, Lão và Phật giáo). Sự mơ mộng học triết ở Sorbone có lẽ bắt nguồn từ những năm học chương trình Pháp ngữ ở trường Thiên Hựu Huế mà có lẽ cũng do sách báo của nhóm Sáng Tạo, Bách Khoa ở Sài Gòn; điều này cũng chứng tỏ ảnh hưởng của văn hóa Pháp, của 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, cái cộng nghiệp của dân trong nhiều nước thời thực dân đế quốc. Có lẽ đây chỉ là những nhân duyên gần, còn có thể có những nhân duyên khác mà mình không biết được. Cái mơ mộng học triết, đến sự ưa thích đọc sách văn hoá, tìm hiểu tôn giáo...rồi đi tìm tòi một triết lý sống, một lối sống đã chứng tỏ có nhiều câu hỏi chưa đươc giải đáp. Có lần mình đã dự một khoá huấn luyện của Werner Erhart, huấn luyện thể chất và tâm lý mà sau này mình mới biết chẳng ích lợi gì. Tuy trong cuộc đời thiếu gì người trải qua các giai đoạn "đi tìm tòi" như vậy (mệnh danh là kẻ tìm kiếm, seeker, mà không biết mình đi tìm cái gì) nhưng nghĩ lại cũng không khỏi thấy buồn cười cho cái tuổi trẻ vô tư, năng động, muốn làm một cái gì mà chẳng biết mình muốn gì... Như trên có nói, những ngã tư đường hay những chọn lựa nào đó trong cuộc đời ta có khi chỉ lãng phí thì giờ, có khi là nhân duyên tốt cho về sau, thường thì lúc chọn lựa đó mình không thể biết sẽ ra thế nào, chỉ chọn lựa tùy theo sự hiểu biết của trí tuệ có giới hạn lúc đó mà thôi; về sau khi mọi sự việc liên hệ đã xãy ra, mình mới có sư cảm nhận đúng đắn hơn (hind-sight). Có những nhân duyên đưa đẩy, đến rồi đi, tiếp nối nhau, chúng ta không rõ những nhân duyên này có liên hệ gì với nhau hay không và những chọn lựa hay quyết định của ta có thực sự quan trọng như ta nghĩ chăng? Có nhiều sự việc nhiều năm trước ta cho rất là quan trọng, nay nghĩ lại thì thấy chẳng quan trọng gì. Có những câu hỏi về con người, về vạn vật, về cuộc sống, chẳng hạn về sự đau khổ của con người mà ta thường không trả lời được. Nhận chân được sự giới hạn của trí tuệ của mình là một giác ngộ rất cần thiết, giúp ta thấy được rằng mình cần phải tìm cách phát triển trí tuệ.
Sự phát triển trí tuệ là tối quan trọng cho tất cả mọi người... Mọi quyết định hay chọn lựa tùy thuộc vào trí tuệ của ta mà trí tuệ của ta có giới hạn và cần được phát triển để cho ta bớt vô minh, để có sự chọn lựa sáng suốt hơn, để nhận chân mọi việc một cách đúng đắn... Ðời người ngắn ngủi, nếu trí tuệ không được phát triển kịp thời thì các chọn lựa của ta (hoặc sự không chọn lựa gì cả) sẽ chẳng đưa ta tới đâu và lãng phí một đời. Nghĩ như vậy ta có thể cho sự phát triển trí tuệ đương nhiên là cần thiết, tuy nhiên ta vẫn chưa thấy rõ mục đích sâu xa của sự phát triển trí tuệ và ta phải phát triển trí tuệ như thế nào ?
Ðể giải đáp câu hỏi trên về mục đích thực sự của sự phát triển trí tuệ, ta cần phải phân biệt như sau: sự phát triển trí tuệ khởi đầu hay sự phát triển trí tuệ thông thường chỉ có mục đích là phát triển kiến thức giúp ta hiểu biết hơn, sáng suốt hơn, suy tư đúng đắn hơn để hành xử đúng đắn hơn trong đờì sống hằng ngày, chứ chưa phải là sự phát triển trí tuệ rốt ráo để đạt được "Nhất Thiết Liễu Trí", là trí tuệ biết được tất cả những gì cần biết, là mục đích tối hậu của sự tu tập, là trí tuệ hiểu rõ mọi pháp thế gian và siêu thế gian, là Trí Tuệ đã giải quyết được các nguyên nhân tạo ra đau khổ, là Trí Tuệ Giác Ngộ, Trí Tuệ Giải Thoát. Phần hai của câu hỏi là phát triển trí tuệ như thế nào: là học hỏi Phật Pháp và tu hành theo con đường thanh lọc tâm. Ðó là Pháp Học (pariyatti) Pháp Hành (patipatti). Phật Pháp chỉ rõ con đường Giới, Ðịnh, Huệ để chúng ta thực tập theo, để đạt được một trí tuệ không còn vô minh, một tâm không còn ô nhiễm. Vô minh là Si Mê, là bị mê mờ không thấy rõ, là một trong ba Tam Ðộc (Tham, Sân, Si). Si cũng chính là nhân của Tham và Sân, diệt được Si rốt ráo là đạt được một tâm trong sạch, không còn ô nhiễm, là có được một trí tuệ "qua tới bờ bên kia", một Trí Tuệ Giác Ngộ. Vì thế đạo Phật còn gọi là đạo Trí Tuệ, đi theo con đường Giới và Ðịnh để đến Huệ và cứu cánh là Diệt Khổ.
phát triển trí tuệ là giải quyết vấn đề Vô Minh. Vô minh là một khoen lớn trong 12 khoen trong dây xích Thập Nhị Nhân Duyên, khoan này đưa đẩy khoen kia, nhân duyên này tiếp nối nhân duyên kia, làm chúng ta luẩn quẩn trôi lăn trong đau khổ, kiếp này qua kiếp khác trong luân hồi sinh tử. Một trong 12 khoan trong Lý Duyên Khởi phải được chặt đứt thì xây xích trói buộc ta mới bung ra và giải thoát ta. Trong các pháp thoại về sự thực tập thiền quán, các thiền sư đã dạy chúng ta một trong các khoan có thể chặt đứt được bằng Thiền Minh Sát là khoan Thọ trong Thập Nhị Nhân Duyên; thiền Minh Sát đặt căn bản từ kinh Tứ Niệm Xứ, nói về bốn lãnh vực quán niệm: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Thiền Minh Sát, tùy theo truyền thống, có thể chuyên quán Thân, có thể chuyên quán Thọ hoặc quán Tâm, quán Pháp, v.v... Chúng ta có thể tìm hiểu sơ khởi bằng cách đọc các sách "Four Foundations of Mindfulness" của Ngài U Silananda, Con Ðường Chuyển Hóa của Ngài Thích Nhất Hạnh, các sách và pháp thoại khác về Tứ Niệm Xứ của các Ngài Achaan Naeb, Mahasi, Goenka... Tuy nhiên đi sâu hơn thì phải theo học "Khóa Ðặc Biệt về Tứ Niệm Xứ" của Ngài S.N.Goenka sau khi thiền tập ba khóa dài hạn 10 ngày và giữ ngũ giới thật trong sạch... (Kinh Tứ Niệm Xứ rất là quan trọng và là một đề tài sâu rộng mà chúng ta có thể tìm hiểu và thảo luận với nhau trong một dịp khác). Nói một cách tổng quát, ba chi về Ðịnh trong Bát Chánh Ðạo là căn bản của mọi phép Thiền Quán; phương pháp thiền tập có khác nhau về hình thức tùy theo tông phái (Bắc Tông, Nam Tông hay Mật Tông) nhưng căn bản không ngoài Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh. Ngay trong các phép thiền Nam Tông đều áp dụng Kinh Tứ Niệm Xứ mà phương pháp thực tập cũng có phần khác nhau; có truyền thống thì chuyên niệm cảm thọ (Ngài U Ba Khin, Goenka...), nhưng một truyền thống khác thì niệm phồng xẹp của bụng (Ngài Mahasi Sayadaw, U Silananda, U Pandita, U Kundala, ...). Nói chung, các Ngài dạy rằng tập định bằng phép quán niệm hơi thở hoặc một trong 40 đề mục của Thiền Chỉ để tập định trong giai đoạn đầu là cần thiết để tâm được ngừng nghĩ, tĩnh lặng. Tuy nhiên các Thiền Sư thường nhắc nhở thiền sinh đừng để tâm đi xa quá, đừng đi khỏi Sơ Ðịnh vào Cận Hành Ðịnh và Cận Ðịnh, đến các tầng thiền của Thiền Chỉ. Từ Sơ Ðịnh thiền sinh phải luôn tỉnh thức, giữ chánh niệm và biết chuyển qua Thiền Quán, quán sát những gì xảy ra ở sáu cửa giác quan, quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Mục đích của Thiền Chỉ là để đạt được sự vắng lặng của Tâm, đạt được trạng thái Tâm An Lạc và Nhập Ðịnh; qua được Cận Hành Ðịnh và Cận Ðịnh thì có thể khắc phục tạm thời năm trở ngại (ngũ triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, phóng dật, hoài nghi) nhưng mà sẽ không "thấy" , không nhận biết được Sinh-Diệt (một tuệ tối quan trọng).
Sự nhận biết này là do trí tuệ Minh Sát mà không do sự Ðịnh Tâm. Mục đích của Thiền Quán hay Thiền Minh sát là phát triển trí tuệ, để đạt được các tầng Tuệ và Giải Thoát, là phát triển trí tuệ đến một Trí Tuệ Giác Ngộ. Trong Thiền Quán, thiền sinh phải trải qua năm chi thiền, đó là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm. Nhờ sự tĩnh lặng, tâm dễ quán thấu được những gì xảy ra, tâm sẽ xuyên suốt vào đối tượng, thấy được sự liên hệ hỗ tương của Thân và Tâm, thấy được Danh Sắc, rồi Nhân Quả, Sinh Diệt, Tam Tướng, Xả. Nói rằng tâm xuyên suốt vào đối tượng không chỉ là nói một cách trừu tượng mà thôi. Trong phương pháp quán cảm thọ theo truyền thống của Ngài U Ba Khin, cái kỹ thuật "quét tâm" (sweeping) đưa tâm đi quan sát mọi cảm thọ suốt khắp thân thể, từ đầu tới chân, giúp ta nhận chân được rằng thân thể mà ta tưởng gồm các phần rắn chắc không hẳn là như vậy. Ở một giai đoạn nào đó, cái thân thể rắn chắc bị tan ra, quan sát kỹ thì thấy cái kiến trúc vật chất của thân thể chỉ là một khối những nguyên tử nhỏ li ti, khởi lên và biến đi, rồi khởi lên và biến đi; toàn thân thể chỉ là một khối những rung chuyển (mass of vibrations)... Minh Sát có nghĩa là quan sát rõ, thấy rõ, dịch từ chữ Pali "Vipassana" gồm chữ "Vi" có nghĩa "nhiều cách" và chữ "Passana" có nghĩa là "thấy", có nghĩa là "thấy nhiều cách", thấy rõ các "tướng", các bản chất của sự vật, thấy Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.
Hồi cuối thập niên 1960 và nửa thập niên 1970, mình thiền tập theo phái "Nhất Thừa" đặt căn bản từ kinh Pháp Hoa; cuối thập niên 1980, mình có dự vài khoá thiền tập tại Tu Viện Kim Sơn (San Jose) - Ngài Nhất Hạnh dạy tỉnh thức, an trú trong hiện tại bằng phép quán niệm hơi thở theo kinh An Ban Thủ Ý. Trong những năm đầu thập niên 1990 (có thể nói là turning point), mình học thiền với các Ngài Kim Triệu, U Pandita ở Tu Viện Taungpulu (Watsonville, CA), Như Lai Thiền Viện (San Jose, CA), rồi sau đó với các Ngài U Silananda, U Kundala ở Toronto và Montréal, Thích Ca Thiền Viện (Riverside,CA) và các Ngài Kim Triệu, H. Gunaratana ở Chùa Phật Ân (Roseville, Minnesota). Những năm gần đây mình thiền tập theo phương pháp quán cảm thọ của Ngài U Ba Khin, do các Thầy Phụ Tá của Ngài Goenka dạy (Prairie Du Chien, WI và St. Paul, MN). Mùa hè này, mình sẽ dự khóa "Thiền Sinh Cũ với Ngài Goenka" và khóa "10 ngày". Nói những chuyện này để thấy trên con đường tu học, mình vẫn phải tùy thuộc vào các nhân duyên đưa đẩy, dần dần mới tìm được phương pháp có thể nói là thích hợp với mình, nhưng rồi có tiến xa được hay không lại là một chuyện khác, còn phải tùy thuộc nhiều yếu tố, liệu sẽ có được nhiều thuận duyên ít nghịch duyên để được tiến triễn hay không?

Giữ giới và thiền tập là thiết yếu, nhưng trạch pháp cũng rất là cần thiết để có sự hiểu biết căn bản, để khỏi lãng phí thì giờ vì đi lạc đường do sự hiểu biết nông cạn hay sai lầm. Chúng ta cần có một kiến thức căn bản về Phật Pháp, thí dụ học hỏi qua về Ngũ Uẩn, học hỏi về Căn, Trần, Thức để biết thêm giác quan thứ sáu là Ý Thức, nói nôm na là Cái Biết, là Tâm. Học để biết khái niệm, nhưng thế nào cũng có nhiều thắc mắc. Ví dụ chúng ta ai cũng biết rõ ràng năm căn Nhãn, Nhỉ, Tỉ, Thiệt, Thân, còn căn của Ý Thức là gì và ở đâu? Căn của Ý Thức phải chăng là Óc Não hay Quả Tim hay là một "physical property" khác ở trong cơ thể? Giải đáp cho thắc mắc này đâu phải dễ. Ði vào sự học hỏi Phật Pháp thì mình thấy Phật Pháp thật là cao siêu, thâm sâu. Chúng ta có đọc và học hỏi mấy thì cũng còn nhiều thắc mắc. Ví dụ để tìm hiểu về Vô Ngã, về Niết Bàn, ta có thể tìm đọc Kinh Vô Ngã Tướng (Mahasi Sayadaw, Phạm Kim Khánh dịch), What The Buddha Taught (Walpola Rahula), Vô Ngã Là Niết Bàn (Thích Thiện Siêu), Tuyệt Quán Luận của Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma, Kinh Pháp Bảo Ðàn (Thích Thanh Từ) ... thì ta cũng chỉ mới có một khái niệm về Vô Ngã, Niết Bàn. Ngài Lục Tổ ngộ đạo từ Kinh Kim Cang, dùng Kinh này như lưỡi gươm để chặt đứt mọi phiền não,phát triển thiền tông, còn chúng ta, cho dù có nghiên cứu hết Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng mà không tu tập thì vẫn còn trong vòng luẩn quẩn với nhiều thắc mắc tương tự như trên. Chúng ta phải nhìn nhận rằng trí tuệ hiện có của mình vẫn chưa được phát triển đến nơi đến chốn và sự phát triển trí tuệ bằng trạch pháp thì cần thiết mà chưa đủ, cần phải phát triển hơn bằng sự tu tập.

Thắc mắc về Phật Pháp cũng như về sự tu tập thì có nhiều. Sau đây là một thắc mắc mà mình nghĩ người khác cũng có thể có: Tuy mình vẫn trạch pháp và thiền tập để phát triển trí tuệ mà cảm thấy không tiến bộ mấy, tuy rằng cũng nhận thấy mình bớt được ít nhiều dính mắc với cuộc đời. Ðiều này làm mình phải nghĩ đến lý do tại sao lại cảm thấy chậm tiến bộ như vậy; sau đây mình thử suy nghĩ để tìm một vài lý do:

1) Phải chăng là do mình nóng lòng và mong ước nhiều quá?
2) Phải chăng là do mình chưa đủ tinh tấn chuyên cần trong sự tu tập? hoặc còn nhiều ái dục và giới luật chưa được trong sạch lắm?
3) Phải chăng là do căn cơ, nghiệp báo kiếp này và nhiều kiếp trước?
Lý do thứ ba thì có lẽ khó bàn và khó kiểm chứng được. Hai lý do đầu thì chúng ta có thể có ý kiến, đúng hay sai hoặc khách quan hay không là một chuyện khác, nhưng cũng có thể thảo luận, góp ý kiến với nhau:
  • Sự cảm thấy chậm tiến bộ có lẽ là do sự mong ước, trông chờ; sự mong ưóc (expectation) có thể là một trở ngại cho ta trong tiến trình tu học. Có lần trước khi dự một khoá thiền dài hạn, mình chuẩn bị tinh thần với nhiều mong ước, hy vọng sẽ tu tập có kết quả ... nhưng trong buổi pháp thoại đầu tiên được dạy ngay là đi vào thiền quán thì không nên mong ước gì cả, chỉ cần có sự tin tưởng vào Tam Bảo, cố gắng chuyên cần hành thiền, giữ Chánh Niệm bén nhạy, Ðịnh căn sẽ tiến triễn vững chắc và làm phát triển Tuệ căn. Sự mong ước này có lẽ do mình thiếu kiên nhẫn, thiếu nhẫn nhục, một trong 6 chân của Lục Ðộ mà mình xét thấy cần phải thực hành nhiều hơn.
  • Mình chưa có thể để hết thì giờ toàn phần vào việc tu học, chưa xuất gia, chưa phải là một hành giả toàn phần (devoted yogi), còn phải dính mắc nhiều với cuộc đời thì đương nhiên kết quả của tu tập phải chậm thôi. Nói vậy không có nghĩa là đã giải đáp được vấn đề, tại sao có những người khác, cũng là cư sĩ như chúng ta, lại tiến bộ nhanh và dễ dàng hơn ta? Phải chăng họ đã tinh tấn nhiều hơn ta? Phải chăng mình còn nhiều ái dục và vô minh hơn họ? Ðiều này có phần hữu lý và giải đáp được phần nào lý do về cường độ của sự tu tập; một thiền sư có dạy rằng sự tinh tấn phải đều đặn liên tục (diligent, steadfast), mãnh liệt (ardent) và phải là sự cố gắng kiên cường anh dũng (heroic effort). Phải quyết tâm thắng được chính mình, sự tu tập đòi hỏi một sự quyết chí (strong determination) nhất là trong sự thiền tập.Tuy nhiên, sự tu tập không chỉ là thiền tập mà cần phải hành đủ Lục Ðộ. Ví dụ ta không giữ giới luật được trong sạch thì khó mà có Ðịnh căn phát triển; ta cũng cần phải hành hạnh bố thí, tập nhẫn nhục, phát triển tâm từ, thỉnh thoảng ôn lại 37 phẩm trợ đạo mà kiểm điểm sự tu tập của mình...
  • Phải chăng những người tiến bộ nhanh có nghiệp quả khá hơn mình hoặc có căn cơ tốt với nhiều ba-la-mật? Người đã tu tập nhiều từ nhiều kiếp trước, nay tiếp tục trở lại, tiến bộ nhanh hơn thì cũng hợp lý. Căn cơ hay nghiệp báo với trí tuệ của ta bây giờ thì chưa biết rõ được, nhưng có trong Phật pháp thì ta phải tin thôi, chờ chừng nào đạt được Nhất Thiết Liễu Trí mới kiểm chứng được.

Trở lại với sự phát triển trí tuệ khởi đầu để được sáng suốt hơn trong mọi quyết định hay chọn lựa trong cuộc sống thì sự học hỏi Phật pháp (trạch pháp, Dhamma investigation) là một bước đầu quan trọng. Chưa nói tới thiền tập để thanh lọc tâm (Thanh Tịnh Ðạo), chúng ta cần có một sự hiểu biết đúng đắn và căn bản về con người (nhân sinh quan) và về vũ trụ (vũ trụ quan). Sự hiểu biết về thân, tâm do đọc sách hoặc nghe giảng là điều cần thiết. Ví dụ cuốn Buddha's Words giảng giải về Sắc Danh (thân tâm), các sách giảng dạy về sự tu tập của các Ngài Nhất Hạnh, Achan Chah, U Pandita, Achan Naeb, U Silananda... đã trả lời cho mình nhiều câu hỏi mà qua nhiều năm khoa học, các triết lý và tâm lý học hiện đại đã không giải đáp được cho mình. Tuy nhiên sự hiểu biết do học hỏi bằng sách vở hoặc do thầy dạy chí mới là văn huệ, các kiến thức cần thiết mà chưa toàn vẹn, một thứ kiến thức vay mượn của người khác. Chúng ta lại cần phải suy tư do chính mình để có sự thấu đáo về bất cứ một vấn đề nào: đó là tư huệ. Cần có tư huệ để tránh sự dễ dàng chấp nhận hoặc tin tưởng mù quáng, dù kiến thức đến từ bất cứ một nguồn gốc nào. Nhưng không thể dừng ở tư huệ vì đây mới chỉ là là thuần lý; nếu ta không có kinh nhiệm bản thân về một sự việc, một hiện tượng thì lấy gì mà kiểm chứng? Hơn nữa sự suy tư này cũng chỉ trong vòng đối đãi, những sự việc ở đời này chỉ là tục đế, không có một giá trị tuyệt đối như chân đế... Vì vậy phải có tu tập để có một sự hiểu biết rốt ráo bằng kinh nghiệm của chính mình: đó là tu huệ. Giác ngộ bằng thiện tập là trí tuệ thấu đạt bằng trực giác. Ví dụ ta học Thân (Sắc) và Tâm (Thọ, Tưởng, Hành ,Thức) qua sách vở hoặc nghe các bậc thầy giảng dạy và cho dù ta có nghiên cứu kỹ Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), để hiểu sự phân tích của Tứ Ðại, các loại Tâm Sở, Tâm Vương, ta vẫn chưa thực sự"thấy" được Thân và Tâm. Vi Diệu Pháp gồm 7 bộ, cần nhiều thì giờ để nghiên cứu, có thể đọc các sách "A Manual of Abhidhamma" của Ngài Narada, "A Comprehensive of Abhidhamma" của Ngài Bodhi; muốn nghe giảng giải về Vi Diệu Pháp thì tìm 52 cuốn băng giảng của Ngài Sayadaw U Silananda ở Như Lai Thiền Viện... Tuy nhiên cũng không hẳn là cần phải học hết Tam Tạng, trì giới và thiền tập mới là thiết yếu. Phải hành thiền cho đến khi bắt đầu có kết quả, đạt được tuệ đầu tiên, tuệ Danh Sắc, thì ta mới thực sự thấy rõ Thân và Tâm. Cũng tương tự, ai cũng có thể nói về Nhân-Quả, Sinh-Diệt, bản chất của sự vật, sự dứt bỏ dính mắc... nhưng thiền tập có kết quả rồi mới có các tuệ Nhân-Quả, tuệ Sinh Diệt, tuệ Thấu Ðạt Tam Tướng, tuệ Xả. Học hỏi về các tầng tuệ nên tự nhắc nhủ là đừng có sự mong cầu vì như đã nói ở trên sự mong cầu chỉ là trở ngại trong việc tu tập.
Các ngài Thiền Sư dạy rằng sự đạt được Ðạo và Quả sẽ đến khi tu tập có kết quả. Ngài U Pandita Sayadaw có dạy: "Không phải nhìn trời mà đắc đạo, cũng không phải nghiên cứu kinh điển mả thành đạo. Cũng không phải suy tư hay mong ước mà giác ngộ sẽ bùng vỡ trong tâm ta". Có những điều kiện cần thiết để đưa đến giác ngộ: có bảy yếu tố giác ngộ (Thất giác chi). Ðó là Niệm, Trạch Pháp,Tinh Tấn, Hỉ, Thư Thái, Ðịnh và Xả. Bảy yếu tố này có thể tìm thấy khi hành thiền Minh Sát, rõ nhất khi ta bắt đầu thấy sự sinh diệt của các hiện tượng. Yếu tố Chánh Niệm thật là quan trọng, phải thực hành Chánh Niệm thật kiên trì và không gián đoạn. Thực tập Chánh Niệm thật là lợi ích: Chánh Niệm giúp ta theo rõi sự việc đang xảy ra, nhớ mình đang phải làm gì và nhìn thấy sự vật đúng như bản chất của sự vật. Chưa nói tới chuyện đạt được đạo quả, Chánh Niệm đã là chìa khóa mở cho ta nghệ thuật sống trong hiện tại, an trú trong hiện tại, không đánh mất mình trong quá khứ và tương lai vì không giữ tâm ngay "bây giờ" và "ở đây"; Chánh Niệm quả thực có thể chuyển nghiệp trong quá khứ và thay đổi được tương lai. Chánh Niệm là yếu tố bắt buộc phải có để có sự tiến bộ ở mọi giai đoạn tu tập. Mỗi một hành giả như chúng ta phải phát triển Chánh Niệm (Sati, Awareness) và Xả (Upekkha, Equanimity) trên con đường dẫn đến Giải Thoát.

Nói tóm lại, mọi sự phát triển trí tuệ để mở mang kiến thức tổng quát đều ích lợi; tuy nhiên, sự phát triển trí tuệ bằng trạch pháp còn cần thiết hơn vì sự học hỏi Phật Pháp giúp ta phân biệt được những sự thật có tính cách đối đãi trong cuộc đời (tục đế) và giúp ta hiểu hơn về bản chất thực sự của sự vật, tìm thấy con đường để tu tập, để đi đến một sự phát triển trí tuệ rốt ráo. Với con đường các bậc Giác Ngộ đã vạch rõ, chúng ta chỉ cần có nhiều cố gắng, chuyên cần tu tập, hy vọng rằng với thuận duyên, con đường này sẽ đưa ta đến một tâm không còn ô nhiễm, một trí tuệ được phát triển rốt ráo. Ðó là Nhất Thiết Liễu Trí, đó là trí tuệ biết được tất cả những gì cần biết, đó là Giác Ngộ Giải Thoát.


-ooOoo-


Sharon Salzberg


 
Nhà thơ Rumi viết, "Một cái nhìn sâu thẳm vào nội tâm sẽ làm phát khởi lên một nỗi đau lớn, nhưng nỗi đau ấy sẽ giúp ta bước ra được phía sau tấm màn che". Mỗi khi chúng ta nhớ lại những việc nào mình đã làm mà gây khổ cho kẻ khác, ngay trong giây phút ấy, ta sẽ kinh nghiệm một nỗi đau. Và nỗi đau đó có thể trở thành một phương tiện giúp ta chuyển hóa. Khi ta có thể "bước ra được phía sau tấm màn che" của vọng tưởng, ta sẽ không còn cho mình là "xấu xa" nữa, và ta biết cởi mở đối với tự tánh khổ đau của mọi kinh nghiệm.
Mỗi khi tưởng nhớ lại những lần mình đã làm khổ kẻ khác, chắc chắn sẽ gây cho ta nhiều khổ tâm. Tôi đã từng ngồi thiền chung với một người chồng đánh đập vợ mình tàn nhẫn mỗi khi nổi giận, với một người đàn ông chờ án tử hình vì đã vi phạm tội sát nhân trong một lần ăn cướp, hơn hai mươi năm về trước. Và tôi cũng đã từng ngồi với những ký ức buồn đau của chính mình về những nỗi khổ tôi đã gây cho người khác. Không cần biết việc lớn hay nhỏ, hễ khi ta làm cho người khác khổ là ta cũng sẽ chịu một sự đớn đau.
Có thể ta nghĩ rằng, mỗi khi ta nhớ lại những lỗi lầm của mình rồi tự hành hạ và dày vò, thì đó cũng là một hình thức chuộc tội. Nhưng thật ra, chính tâm từ mới là một sự hối tội chân chính. Khi ta bị một mặc cảm tội lỗi chiếm ngự, nó sẽ làm cái tôi của mình trở nên vô cùng giới hạn và nhỏ bé, "Ðây mới là con người của tôi, một người đã có những hành động xấu xa này...". Và một khi cái tôi đã bị giới hạn, ta sẽ càng cảm thấy bị tự trừng phạt bởi những sự khổ đau, xa cách, cô đơn và vô vọng của mình. Ta cho là mình xứng đáng bị như vậy. Và khi nghe đức Phật dạy, mọi chúng sinh đều muốn sống hạnh phúc và đều có khả năng sống hạnh phúc, ta lại càng cảm thấy cô độc hơn.
Nhiều năm trước đây, trong một giờ ngồi thiền của một khóa tu, tôi thấy mình nhìn lại một quãng đời khó khăn trong cuộc sống của mình. Nhớ lại những việc làm xưa chẳng làm tôi vui sướng gì. Nhưng khi hiểu rằng hành động của tôi chỉ là một phần của những biến cố nối liền, liên tiếp theo nhau, tôi có thể nhìn lại mình với một ánh mắt hiểu biết hơn và tha thứ hơn. Tôi có thể thấy rõ rằng khi một việc này khởi lên, nó sẽ làm nền tảng cho một việc kế tiếp phát sinh theo.
Kinh Phật có dùng một ví dụ để diễn tả tính cách nối liền, nhân quả của những sự kiện xảy ra với nhau. Khi nước trong đại dương theo thủy triều dâng lên cao, nước trong các con sông cũng sẽ dâng lên theo; khi nước sông dâng lên, nước trong các hồ lớn, kinh rạch cũng sẽ dâng lên. Khi nước trong đại dương theo thủy triều hạ xuống thấp, nước trong trăm con sông cũng sẽ hạ thấp, và nước trong hồ, kinh, rạch cũng thế. Sức hút của mặt trăng tác dụng lên khối lượng nước trên quả đất, trừ những trường hợp rất hiếm, khiến chúng chuyển động rất tương hợp với nhau. Khi một cái này phát khởi lên, sẽ khiến một cái kia có liên hệ với nó phát khởi lên theo. Bất cứ một sự kiện nào có mặt chắc chắn cũng sẽ bị điều kiện bởi một cái khác. Cũng thế, tất cả mọi yếu tố có liên hệ đến sự hiện hữu của ta - thân này, tâm này, thế giới bên trong, thế giới chung quanh ta - đều có một kết cấu rất mật thiết với nhau.
Trong khóa tu, tôi thấy được những sự kiện của đời mình, giống như sông và biển, chúng xảy ra theo một thứ tự rõ rệt. Tôi thấy mình đã cố gắng làm hết sức mình trong hoàn cảnh đang có mặt. Trong tình trạng ấy, với những điều kiện ấy, có lẽ tôi đã không thể nào làm gì khác hơn thế được. Vì một thái độ khác sẽ đòi hỏi một sự hiểu biết khác dựa trên những sự kiện và kinh nghiệm khác.
Chúng ta không thể nào hốt lại nước đã đổ và chúng ta cũng không thể nào trốn tránh được hậu quả về hành động của mình. Nhưng thay vì tự oán trách hoặc là cứ ôm một mặc cảm hổ thẹn mãi, ta có thể thay đổi nó bằng cách tưới tẩm hạt giống xấu ấy bằng chánh niệm và tâm từ. Ðó chính là nền tảng của sự tu tập.
Theo luật nhân quả, karma, thì cái tác ý đứng sau hành động mới là yếu tố chánh quyết định cho sự tốt, xấu của hạt giống ta gieo trồng trong mỗi giây phút. Một hạt giống, khi đủ điều kiện, đủ nhân duyên, nó sẽ nở hoa kết trái. Nhưng luật nhân quả không bao giờ vận chuyển một cách máy móc và cứng nhắc hết. Vì nếu thế thì chắc ta sẽ không bao giờ có thể làm gì để hay đổi được cuộc đời mình hết. Sẽ không có cách nào để ta chuyển hóa được khổ đau, cũng như sự tu tập sẽ chẳng đem lại cho ta một lợi ích gì.
Như thiên nhiên đã cho phép rất nhiều điều kiện khác nhau đóng góp vào sự chín mùi của một hạt giống, cũng thế, hạt giống chủ ý của ta không bao giờ hiện hữu cô lập. Quả trái của một hành động không phải chỉ tùy thuộc vào hạt giống của nó mà thôi, mà còn lệ thuộc vào tất cả những đặc điểm của miếng đất trong đó nó được gieo trồng. Vì chúng ta luôn thay đổi để ảnh hưởng sự sống của mình, nên miếng đất mà hạt giống ấy đang cắm rễ cũng sẽ biến đổi luôn. Và cũng vì thế, mục tiêu giải thoát và cơ hội chấm dứt khổ đau của ta là chuyện có thể thực hiện được.
Giả sử chúng ta đã lỡ có một hành động bất thiện hoặc gây hại cho ai, nhưng nếu biết trở lại sống trong chánh niệm và từ bi, ta sẽ có thể ảnh hưởng chuyển hóa được thửa vườn mà hạt giống xấu ấy được gieo trồng, và rồi tất cả sẽ được thay đổi. Ðó cũng chính là một sự chuyển hóa mà ta có thể bắt đầu ngay trong giờ phút này.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách dùng chánh niệm và tâm từ nhìn sâu vào những khổ đau ta đã gây cho kẻ khác, cũng như nỗi đau của chính mình. Chúng ta hãy nhìn sâu vào những mặc cảm tội lỗi, những hổ thẹn, sợ hãi bằng một tâm hiểu biết và bao dung. Chúng ta thấy được sự khác biệt giữa việc cho rằng, "Tôi là một người xấu xa" với lại "Tôi đã làm một việc xấu và tôi rất hối tiếc về hành động đó". Khi ta có thể kinh nghiệm được dòng sông cảm xúc của mình với sự tĩnh lặng, sáng tỏ, và thương yêu - không phán xét và hẹp hòi - tâm ta sẽ trở thành một tấm gương trong vắt, phản chiếu được hết những gì đang có mặt. Trong tiến trình ấy, tấm gương tâm của ta cũng sẽ phản chiếu luôn được cả tự tánh của chính nó: tỏa chiếu, thanh tịnh và ngời sáng. Như đức Phật dạy, "Chân tâm của ta bao giờ cũng trong sáng".
Chúng ta sẽ tìm lại được cái khả năng tỉnh thức, biết yêu thương và bắt đầu lại của mình. Mặc dầu trong quá khứ có thể ta đã có những hành động bất thiện, nhưng ta vẫn biết rằng sự trong sáng, tĩnh lặng mới chính là bản chất thật sự của mình, chứ không phải là những tâm tham sân thường xúi dục ta đi gây hại cho kẻ khác. Thật ra, ta không cần phải làm gì mới có thể xứng đáng có được bản chất thanh tịnh ấy - vì nó là bản tánh tự nhiên của ta. Dẫu trong quá khứ ta có thể sống mà không hề biết đến nó, nhưng chân tánh ấy vẫn không bao giờ bị mất đi hay lu mờ một chút nào hết. Chúng ta có thể xem thường nó, chà đạp nó, nhưng bản tính thanh tịnh ấy không bao giờ thay đổi và vẫn chờ đợi ta một ngày khám phá lại.
Khi khổ đau giúp ta bước ra được "phía sau tấm màn che" của một ảo tưởng về sự chia cách, ta sẽ tiếp tục được sự sống trọn vẹn, trong đó có chính ta. Sự sống lúc nào cũng chấp nhận ta, nó chỉ chờ ta tự chấp nhận chính mình mà thôi. Tha thứ không có nghĩa là bỏ qua hết những gì ta đã làm, hoặc tưởng tượng rằng một ngày nào đó những nỗi đau trong ký ức rồi sẽ giản dị biến mất. Nó chỉ có nghĩa là ta ý thức được màn lưới chằng chịt nối liền của nhân duyên, của những điều kiện đã tạo nên hành động của mình. Và nhờ sự hiểu biết đó, ta sẽ biết thương mình và kẻ khác hơn./.
Nguyễn Duy Nhiên chuyển dịch
(Trích "Trái Tim Thiền Tập", Sharon Salzberg)
                                 Tỳ kheo Na Tiên

Người ta xôn xao lo sợ, bàn tán về chuyện năm 2000, dự đoán những điều biến thiên biến địa sẽ xảy ra. Phần đông người ta lo tìm kiếm dự trữ thức ăn, cất giữ tiền bạc, dự định vào việc phòng thân. Báo chí nhiều nơi bảo California sẽ trôi ra biển, thế chiến sẽ xảy ra, động đất sẽ nứt lớn, núi lửa sẽ phun ngòi. Nhiều người đến chùa cầu trời khẩn Phật, lắm kẻ đến thánh đường xin được ban ơn.
Vận nạn năm 2000 có thể có, có thể không, nhưng cái nạn khổ tâm khổ trí trong tâm mỗi người thì luôn luôn có. Tâm người ta đang luôn bị động, núi lửa trong tâm đang luôn bùng nổ. Thay vì lo đến chuyện thay trời đổi đất, chúng ta hãy tìm cách giải quyết cái núi lửa trong tâm mình là hơn.
Con người ta là một núi lửa. Mỗi người là một cái núi lửa biết đi. Loại núi lửa này nguy hiểm hơn những núi lửa bên Hawaii nhiều, vì chúng ta khó biết đâu mà tránh. Là núi lửa thiên nhiên, lâu lâu chúng mới nổ một lần, và chỉ nổ trên chóp núi rồi nham thạch tràn xuống, sau đó lại ngủ yên. Nhưng núi lửa người thì rất đa dạng. Chúng không nổ một kiểu như núi lửa thiên nhiên mà lại nổ loạn, nổ mọi lúc, nổ mọi nơi. Núi lửa thiên nhiên thì lâu lâu mới nổ một lần, nhưng núi lửa người thì nổ mãi, mà lại thích nổ. Vì si mê, người ta thích bị đốt và thích nổ. Vì tà kiến, người ta thấy cái tốt và lạc thú trong khối lửa này.
Phật Nói Chúng Sanh Bị Thiêu Ðốt
Sau khi đắc đạo quả giải thoát không bao lâu, một lúc nọ Ðức Thế Tôn cùng tăng chúng trú tại Gàya. Trong một thời Pháp cho những tu sĩ thờ thần lửa, Ngài thức tỉnh họ rằng tất cả chúng sanh đang bị lửa thiêu đốt và cần phải thấy rõ sự thật để thoát ra:
-- Tất cả đều bị bốc cháy, này các tỳ kheo. Mắt, cảnh trần và nhãn thức bị bốc cháy. Nhãn xúc bị bốc cháy. Những cảm thọ - lạc thọ, khổ thọ và trung tính thọ - duyên từ nhãn xúc khởi lên đều bị bốc cháy. Bị bốc cháy vì đâu? Bị bốc cháy vì lửa tham, lửa sân, lửa si. Bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
-- Tất cả đều bị bốc cháy, này các tỳ kheo. Tai , âm thanh, nhĩ thức và nhĩ xúc; mũi, mùi hương, tỹ thức và tỹ xúc; lưỡi, vị, thiệt thức và thiệt xúc; thân, các xúc chạm, thân thức và thân xúc; tâm, đối tượng của tâm, tâm thức và tâm xúc đều bị bốc cháy. Những cảm thọ - lạc thọ, khổ thọ và trung tính thọ - duyên từ những loại xúc này khởi lên đều bị bốc cháy. Bị bốc cháy vì lửa tham, lửa sân, lửa si. Bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não (Kinh Lửa Cháy - Tương Ưng Bộ).
Cái Khổ Núi Lửa và Nguyên Nhân Bị Khổ
Lửa ở đây chỉ cho ô nhiễm trong tâm như tham ái, ước vọng, ái dục, phiền giận, ganh tỵ, bất mãn, sân hận, si mê, buồn chán, ngã mạn, kiêu căng, bướng bỉnh, tà kiến v.v... Từ thời cổ xưa, lúc vũ trụ vừa hình thành cho đến tương lai khi vũ trụ hoại diệt, chúng sanh luôn bị nhốt trong cái núi lửa ô nhiễm của chính mình. Giải thoát ra khỏi cái ngục lửa này luôn luôn là một vấn đề.
Ðức Phật có bi quan không khi Ngài dạy rằng tất cả những gì nơi thân và tâm chúng ta đều đang bị bốc cháy? Tại sao Ðức Phật không nói có cái bị đốt cháy nhưng cũng có cái rất sung sướng? Tại sao Ngài không nói hưởng thụ vật chất và ăn uống ngủ nghĩ là sướng, vui chơi giải trí là sướng, sống một cuộc đời dư dã tiền của là sướng, có nhiều người thương mình là sướng, muốn gì được nấy là sướng? Nhưng Ngài lại dạy rằng: những cảm thọ sướng, cảm thọ khổ, ngay cả cảm thọ trung tính (không sướng không khổ) đều là khổ, đều bị đốt cháy cả. Vì ô nhiễm tham sân si nên tất cả đều bị đốt cháy. Hạnh phúc từ cảm thọ chỉ là hạnh phúc của sự bị đốt cháy, như con thiêu thân đang chập chờn trên đống lửa, chỉ hưởng được một chút hạnh phúc giả tạo vài giây ngắn ngủi mà thôi.
Người không hành thiền quán, chưa từng hưởng được hạnh phúc của tâm định, chưa kinh nghiệm được hạnh phúc không điều kiện của niết-bàn, thì hạnh phúc khoái lạc của người ấy chỉ nằm trên cảm thọ của thân và tâm, phát sanh từ sự xúc chạm giữa sáu giác quan nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và tâm và các đối tượng của chúng. Ví dụ, một người đã hưởng được điều gì sung sướng trong quá khứ, nay hồi tưởng lại, củng cảm thấy đôi chút vui thích. Ðây là lạc thọ về tâm. Hay người ấy chợt nhớ đến lời nói chọc ghẹo của ai đó, bổng nhiên nổi tức, thì đây là khổ thọ về tâm. Hay khi đang đi ngoài trời tuyết lạnh giá, khi vào nhà liền thấy ấm áp dễ chịu. Ðó là lạc thọ của thân. Tất cả những cảm thọ này đều luôn sanh lên rồi diệt mất ngay, sanh diệt không ngừng. Nhưng khi tâm đã hưởng được cảm thọ ấy rồi thì liền phát sanh ưa thích (ái), trở nên dính mắc vào đó (thủ) rồi không ngừng vươn tới chụp bắt cảm thọ đang sanh diệt phía trước để được hưởng nhiều hơn.
Chúng ta có thể ví ô nhiễm tham sân si như nham thạch nóng đỏ nằm trong lòng núi, và sự phản ứng của tham sân si khi thân tâm xúc chạm đối tượng tốt xấu cũng giống như núi lửa đang bùng nổ. Ô nhiễm tham sân si khi còn nằm yên dưới bề sâu của tâm được gọi là ô nhiễm ngũ ngầm, khi gặp đối tượng gì kích thích làm tâm khởi lên sự ưa thích hay ghét bỏ, gọi là ô nhiễm khởi động. Lúc này, tâm người ta ví như ngọn núi lửa tuy chưa nổ nhưng nham thạch bên trong đang cuồng lên cuộn xuống, sắp sửa trào ra. Lúc này, người ấy là một nạn nhân đang bị thiêu đốt khổ sở vì chất nóng đang phát động trong tâm mình. Rồi khi quá thích hay quá giận, hay quá si mê, và vì không chánh niệm lại chẳng biết hổ thẹn, người ấy bất chấp đạo đức cứ làm quấy nói bậy cho hả cơn tham sân. Ðó là ô nhiễm nổ bùng. Rồi dã sữ một người khi lo sợ điều gì quá đáng, thất tình ai, hay thù hận ai quá độ, đến nổi tâm không còn khả năng trở về trạng thái ngơi nghĩ mà chạy luôn theo ô nhiễm như diều đứt dây, thì người ấy đã trở thành điên.
Ðó là ba trạng thái ô nhiễm luôn luôn đốt cháy chúng sanh: ô nhiễm ngủ ngầm, ô nhiễm khởi động và ô nhiễm bộc phát. Phật dạy rằng tất cả chúng sanh trong tam giới bị đốt vì ô nhiễm. Nhưng vì si mê, người ta không thấy mình bị đốt nên chẳng cần tìm cách chữa lửa. Hoặc vì tà kiến, hiểu sai, người ta thấy mình bị đốt, lại tưởng rằng phải bị đốt nửa mới hết cháy - bằng cách hưởng thọ ngũ dục thật nhiều, hoặc phải thực hành nhiều phương pháp hết sức cam khổ để chế ngự các cảm thọ của thân tâm theo lối khổ hạnh hành xác. Ba loại lửa này ví như những con rắn hổ miệng đầy nọc độc, hay như dạ xoa quỉ dử nhe nanh múa vuốt sẵn sàng ăn thịt chúng sanh. Vì vậy, trong bài Kinh Lửa Cháy, sau khi Ðức Phật nói tất cả đều bị đốt, Ngài dạy tiếp rằng:
-- Thấy vậy, này các tỳ kheo, hành giả nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. (Vị ấy nhàm chán đối với tai, các thinh, nhĩ thức , mũi, lưỡi, thân, ý..., vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy).
--Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn tái sanh trong tam giới này nữa".
Dập Tắt Núi Lửa
Chúng ta thấy trong đoạn kinh trên có ba chữ chính yếu là nhàm chán, ly thamgiải thoát.
Chúng ta sẽ không bao giờ chán một điều gì khi thấy nó luôn đem lại nguồn an lạc hạnh phúc mà chẳng hề vương vấn não phiền. Nhưng điều này thì không bao giờ có trong thế giới hữu vi. Những gì thuộc về hữu vi (tâm và các thể vật chất) đều là vô thường, khổ và vô ngã. Vì chúng là vô thường, nên chi phát sanh ra khổ. Bất cứ cái gì mà tự nó thay đổi hoài và có nhiều khổ não, nó không thuộc quyền cai quản của ta thì là vô ngã.
Nhưng vì không có thiền trí, hay là trí tuệ bát nhã (Phạn ngữ Pali: Panna- bhavanamayapanna, âm Tàu chuyển Việt thành Bát-nhã) nên người ta lầm tưởng dù sự việc trên đời có khổ nhưng vẫn có sướng, nếu cứ cố gắng tìm kiếm cái sướng và khôn khéo tránh né cái khổ thì thế nào cũng sẽ được hưởng nhiều hơn. Vì vậy mà người ta luôn kiếm tìm. Như người đã đứng tuổi mà vẫn còn thèm khát ái tình, suốt cuộc đời đã trãi qua biết bao cơn chua cay chát đắng, đau khổ đã nhiều, nhưng cũng mãi hoài xông pha tìm kiếm cho được một giọt tình thương. Sự thật thì cái gốc khổ não nằm nơi vô minh và tham ái trong tâm mình chứ không phải ở đâu bên ngoài. Vì không thẳm thấu được rằng tất cả các pháp hữu vi đều là vô thường, khổ não và vô ngã nên người ấy chưa nhàm chán với các dục trần. Vì không biết rằng cái khổ nằm nơi ô nhiễm tham sân si trong tâm mình, hạnh phúc nằm nơi sự đoạn diệt tham sân si, nên người ấy chẳng hề chịu quay trở lại nhìn vào bên trong hầu giải quyết vấn đề.
Khi hành thiền quán, tập trung chánh niệm chìm vào những đối tượng trong thân và tâm của mình, dần dần tâm hành giả được an tịnh định tỉnh. Hành giả sẽ thấy rằng những thể vật chất nơi thân (phẩm dạng đất nước gió lửa) đều thay đổi sanh diệt nhanh chóng. Hành giả sẽ kinh nghiệm được Khổ từ sự thấy rõ hiện tượng vô thường. Khi có thiền trí thấy rõ vô thường, hành giả sẽ đồng thời có tuệ giác thấy rằng cái gì mà sanh diệt mau chóng thì đều bất toại nguyện. Hành giả kinh nghiệm được sự áp bức và khổ sở phát sanh từ những hiện tượng này. Ðây là hiện tượng khổ. Ðồng thời, tâm hành giả bừng sáng thấy rằng bất cứ cái gì (thân và tâm) mà thay đổi và khổ thì không phải là ta hay của ta. Chúng không theo ý muốn hay sự kiểm soát của ta, chúng chẳng có cái gì là thực thể. Chúng hoàn toàn rỗng không, không cội rễ, nhưng lại thay đổi và khổ. Ðây là hiện tượng vô ngã hành giả kinh nghiệm được.
Khi đi sâu vào lộ trình thiền quán, kinh nghiệm rõ tam tướng vô thường, khổ và vô ngã, hành giả phát sanh sự chán nãn đối với các pháp hữu vi. Khi chán nãn thì hành giả sẽ không tham ái bám níu vào những đối tượng ấy nữa. Ðây là ly tham: không tham chấp vào ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, những tập hợp tạo nên cái gọi là con người. Khi không tham ái chấp thủ nữa thì giải thoát vậy. Tham ái là dính lại, là khổ. Xả ly là thoát ra, là yên. Có vậy thôi. Nhưng muốn được giải thoát thật sự thì phải hành thiền quán mới có trí tuệ xả ly.
Phương Pháp Dập Tắt Núi Lửa
Làm sao để áp dụng bài kinh này hầu dập tắt những núi lửa đang đi đứng nằm ngồi của chúng ta? Ðầu tiên, chúng ta cần phải nhận định rằng chúng ta đang bị đốt thật sự. Bị đốt vì sanh già bệnh chết. Bị đốt vì ô nhiễm tham sân si. Những đối tượng bên ngoài kích thích các giác quan làm phát động tham sân si cũng đều là lửa, là khổ nốt. Nếu nhận thức được rằng chúng ta đang bị đốt thì chúng ta sẽ hết lòng tìm cách chữa lửa. Vậy là chúng ta đã thành công trong bước đầu.
Bước kế tiếp, muốn chửa lửa thì phải làm hai điều:
1. Tránh xa những nguyên nhân phát hỏa, đừng làm nó cháy thêm. Xa lánh những gì ồn ào phiền toái, xa lánh những gì kích thích tham sân si trong tâm ta, xa lánh những gì làm tâm không được an tịnh. Vào chùa, thiền viện, hay đến những nơi thanh tịnh tĩnh lặng để hành đạo. Hoặc dọn một căn phòng cho sạch sẽ, chưng bày đơn giản, tạm thời ở một mình yên tịnh nơi đó để hành thiền. Hành giả trở về với sự an tịnh thanh bình. Ðây là thân ẩn cư.
2. Tưới nước dập tắt lửa. Khi có thân ẩn cư, hành giả hành thiền sẽ được tâm ẩn cư. Muốn hành thiền, trước tiên, hành giả cần phải phát nguyện giữ giới và giữ giới đã nguyện cho trong sạch. Ít nhất cũng là ngũ giới. Ðối với người tại gia cư sĩ, trong thời gian hành thiền thì nên giữ bát quan trai giới.
Ðiều quan trọng không thể thiếu sót được khi hành thiền là sự thu thúc lục căn. Nhờ có chánh niệm thu thúc lục căn, tâm hành giả không dễ dàng bị trần cảnh cuốn trôi đi về quá khứ vị lai, cũng không để trần cảnh kích thích làm bốc lửa tham sân si. Nhờ vậy, tâm hành giả sẽ được nguội dần và tịnh lại.
Vì vấn đề ở đây là dập tắt lửa ô nhiễm chứ không phải chỉ tạm thời đè nó xuống nên hành giả cần thực hành thiền quán minh (thiền quán tứ niệm xứ - minh sát tuệ, Phạn ngữ Pali gọi là Satipatthana-vipassana) để có trí tuệ giải thoát. Nếu hành giả chỉ muốn cho tâm tạm thời được an tịnh chứ không muốn có trí tuệ để giải thoát thì hành giả hành thiền vắng lặng (samatha), như niệm Phật, niệm tâm từ v.v... Tuy nhiên, thiền quán cũng đem lại cho hành giả tâm bình an, định tỉnh rất sâu xa.
Vì đây không phải là bài viết nói chi tiết về thiền nên lúc này chúng ta chỉ đề cập đến vài nét đại cương. Hành giả ngồi nơi thích hợp, trong tư thế ngay thẳng và thoải mái, chú tâm quan sát tiến trình hơi thở vào thở ra nơi đầu mũi hay nơi vùng bụng. Ðối với hành giả sơ cơ, khi ngồi thiền, hơi thở là đề mục chính, các đề mục khác như suy nghĩ, phóng dật, buồn ngũ, đau, nhức, mỏi, vui, sướng, khổ v.v... đều là đề mục phụ. Hành giả cần chú tâm theo dõi tiến trình nơi đề mục chính càng lâu càng tốt. Chỉ khi nào các đề mục phụ quá rõ ràng, chúng kéo tâm hành giả rời khỏi đề mục hơi thở thì hành giả mới niệm các đề mục phụ ấy. Khi đề mục phụ chấm dứt thì hành giả lại chú tâm trở về với đề mục chính là tiến trình của hơi thở nơi đầu mũi hay vùng bụng.
Sau khi tọa thiền, hành giả cần đi thiền hành. Khi thiền hành thì đề mục chính là tiến trình bước chân, thay vì tiến trình hơi thở như khi tọa thiền. Phương thức di chuyển chánh niệm từ đề mục chính qua đề mục phụ cũng giống như lúc tọa thiền. Nhớ là cần phải hành thiền cho nghiêm túc, phải thu thúc lục căn, phải có chánh niệm kỷ lưởng, khắng khít, sâu xa, thấu đáo và xuyên suốt qua đề mục. Không nên vừa thiền hành vừa tưởng tượng đến những chuyện hồn bướm mơ tiên!
Ngoài ra, những động tác khác cũng cần phải chú tâm chánh niệm. Tất cả các tiến trình cử động như ăn, uống, quay, cúi, co, duỗi, đi, đứng, nằm, ngồi v.v... cũng đều được chú tâm theo dõi quan sát thật thấu đáo.
Nhờ có chánh niệm liên tục, khắng khít trên đề mục sanh khởi không gián đoạn, tâm hành giả dần dần tập trung trên đề mục chánh niệm được lâu hơn, định trở nên vững và sâu hơn, hành giả kinh nghiệm được sự an lạc hĩ mãn, hạnh phúc tuyệt vời của tâm định. Tâm hành giả lúc ấy rất trong sáng đầy năng lực. Năm triền cái (tham ái, sân hận, hôn trầm, phóng dật, hoài nghi) vắng bóng, hành giả tạm thời thoát ra được sự áp bức của tham sân si. Tâm hành giả không chạy về quá khứ, chẳng ước vọng ở tương lai. Hành giả cảm thấy nguồn hạnh phúc, an lạc đầy ắp thấm nhuận toàn thân tâm. Ðây là tâm ẩn cư.
Lúc này đức tin hành giả càng mạnh, tinh tấn càng nhiều, chánh niệm càng nhanh, sắc bén và liên tục, định càng sâu và bền, thiền trí sẽ tự động hiển lộ. Hành giả tự mình kinh nghiệm được tam tướng vô thường, khổ não và vô ngã, rồi theo đà tuần tự của pháp hành, hành giả vượt qua các giai đoạn tiến triển trong tuệ minh sát, tâm ngày càng xả ly và sẽ đến giai đoạn chứng đạt đạo tuệ, quả tuệ và niết-bàn. Có bốn đạo tuệ. Mỗi đạo tuệ bứng gốc được một số ô nhiễm. Ðến khi chứng ngộ đạo quả Alahán thì tất cả ô nhiễm ngũ ngầm đều được dứt sạch. Ðây gọi là tỵ phiền não ẩn cư.
Ðến đây, Ðức Phật dạy: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn tái sanh trong tam giới này nữa".
Chúng Ta Hãy Làm Theo Lời Phật Dạy
Hành thiền đâu có khó khăn gì, chẳng tốn tiền mua mà lại hưởng được rất nhiều hạnh phúc cao thượng. Hạnh phúc trong thiền thì nhiều gấp tỷ lần hạnh phúc bên ngoài. Không hành thiền thì chúng ta chỉ là những núi lửa di động. Rất khổ. Ðức Phật ra đời với mục đích giúp giải thoát chúng sanh ra khỏi nhà lửa ô nhiễm. Nhưng Ngài chỉ chỉ cho chúng ta phương pháp và lộ trình để đi đến nơi thoát khổ, còn thực hành hay không là phận sự của mỗi người chúng ta.
Năm 2000 đã đến. Núi lửa thiên nhiên muốn nổ thì cứ nổ, nhưng với pháp hành Phật dạy, núi lửa người sẽ được dập tắt. Khi ô nhiễm phiền não trong tâm không còn, thì những chuyện thay trời đổi đất, dù cho tam giới có đảo ngược, thì chuyện ấy cũng chẳng còn là vấn đề. Vì vấn đề chính đã nhờ thiền mà giải quyết được rồi.
Nguyện cho tất cả chúng sanh hãy cho được sự yên vui.

              

Tỳ kheo Gavesako

                           Tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt
                           (Trích "Họ đã nghĩ như thế")

Giới thiệu:
Ðại đức Gavesako (Mitsuo Shibahashi) sinh năm 1951 tại Nhật Bản. Là một nhà leo núi lão luyện, đại đức đã từng thành lập một nhóm hội viên để chinh phục dãy núi Himalayas. Lần đó đại đức cùng cả đoàn đi sang Ấn Ðộ và trong thời gian chờ đợi thời tiết tốt để bắt đầu cuộc thám hiểm, đại đức đã quyết định ở lại một thảo xá dưới chân núi. Thế rồi trước khi các thành viên trong đoàn có mặt đầy đủ (đại đức đã đi trước một mình), đại đức bỗng nhiên cảm thấy thích thú với đời sống thiền định qua chút ít kiến thức mà mình đã biết được về pháp môn này để rồi đại đức không còn thấy hứng thú trong chuyện leo núi nữa. Ðại đức đã ở lại thảo xá đó suốt hai năm liền. Và cũng trong thời gian này đoàn leo núi của đại đức gặp phải tai nạn, một số người trong bọn họ đã bị vùi chôn trong một dòng băng hà đổ từ núi xuống.
Do một ít khó khăn về vấn đề giấy tờ nhập cảnh, đại đức buộc phải đi qua Thái Lan, nơi mà đại đức vẫn hy vọng mình sẽ tiếp tục tu tập pháp môn thiền định. Gặp được các vị sư người Tây Phương ở Bangkok giới thiệu, đại đức đã đến chùa Pah Pong ở vùng đông bắc Thái Lan, rồi thọ giới tỳ kheo với Ngài Ajahn Chah. Lúc này là năm 1975. Ðại đức Gavesako gần như chuyên sống hạnh đầu đà và đại đức cũng là người đã hết mình tận tụy chăm sóc thiền sư Ajahn Chah trong suốt những năm tháng cuối đời của Ngài.
Năm 1989 đại đức đã được mời về Nhật Bản để trình bày về thiền định Phật giáo Nguyên thủy suốt mấy tháng trời.
Bài viết sau đây là một pháp thoại cho các Phật tử từ Bangkok đến viếng thăm đại đức. Nội dung của bài viết có thể được tóm tắt trong mấy dòng sau đây "Hãy làm thế nào để thấy được bản chất ma chướng của lòng ham muốn và chấp thủ. Cho đến khi nào thoát khỏi được sự chi phối của chúng thì coi như đã thành Phật".
-ooOoo-
Trong bài nói chuyện này, tôi muốn nhấn mạnh với quý vị một số tiêu đề có thể tạm gọi là những kinh nghiệm tu học mà chúng ta cần phải có.
Vấn đề trước tiên mà tôi muốn đề cập ở đây chính là thái độ đối diện của người Phật tử trước tất cả những đau khổ trong đời sống. Có là kỳ quái lắm không khi tôi đề nghị các vị hãy học cách trân trọng trước những đau khổ như là đối với một người thầy. Chúng ta đừng theo thói quen mà chán ghét, trốn chạy hay e sợ các đau khổ.
. Trong tinh thần đó, chúng ta sẽ khỏi phải lo ngại bất cứ điều gì mà chỉ việc củng cố ở nội tâm mình một sức mạnh chịu đựng. Nói vậy có nghĩa là chúng ta phải biết mạo hiểm và gan lì, bởi vì bất luận là những đau khổ đó có mặt ở đâu chúng ta cũng phải nhìn ngắm nó một cách trọn vẹn. Nỗi đau khổ nào cũng cần được nhận thức, cho nên chúng ta phải học được cách nhận thức đau khổ. Có điều là chúng ta cũng đừng quên rằng sự đam mê trong khả năng nhận thức đó không khéo cũng tạo ra hai thứ hình thái phiền não hết sức nguy hiểm là tham ái và chấp thủ. Chính hai phiền não này là cội nguồn cho tất cả đau khổ; đồng thời cũng che khuất tất cả nhận thức của chúng ta về đau khổ. Ðến lúc này thì chúng ta chỉ có thể bị đau khổ mà không thể nhìn thấy sự đau khổ. Chính vì vậy, vấn đề cốt lõi của cuộc tu là biết chọn lấy cho mình một con đường chín chắn để thấy rõ tất cả đau khổ. Từ cái thấy hời hợt của buổi đầu mới tu học, chúng ta sẽ dần dần có được một cái nhìn sâu sắc hơn. Thuật ngữ Phật học gọi đó là Chánh Tri Kiến, cái khả năng trí tuệ thấy rõ được từng giai đoạn xuất hiện, tồn tại và biến mất của các đau khổ để rồi từ trên cơ sở này, Chánh Tri Kiến của chúng ta lại lần lược đi đến những cấp độ khác cao hơn: không có hạnh phúc hay khổ đau gì cả, mọi hiện tượng chỉ là từng tiến trình "xuất hiện - tồn tại - biến mất". Với trình độ Chánh Tri Kiến này, ta sẽ thấy rằng thật ra không có Cái Gì xuất hiện hay biến mất cả. Không có cái gì trên đời này đáng để ta ôm ấp. Tất cả các pháp đều vô ngã.
Bất cứ cái gì đã xuất hiện thì phải có lúc biến mất. Nếu chúng ta có thể buông bỏ hết mọi thứ: Không cực lòng với những đau khổ, không thích thú cũng không bất mãn thì chắc chắn chúng ta sẽ được an lạc. Bất cứ một đau khổ nào có thể xảy ra trong lúc này thì cũng chỉ là những bóng khói hình sương.
Thái độ thứ hai mà các Phật tử cần phải có được trước tất cả các đau khổ là chúng ta học được cách đánh giá mọi áp lực trong đời sống như là những người khách lạ. Quả đúng như vậy, những cảm giác bức xúc khó chịu thực ra chỉ đến rồi đi qua tâm hồn ta như những bóng nắng bên thềm. Chúng đi rồi cũng có lúc quay lại. Nếu chúng ta không bận lòng vật lộn với chúng thì chắc chắn chúng sẽ không lưu trú lại được. Tuy vậy, chúng ta cũng đừng quá chủ quan trong thái độ đó của mình. Hãy bình thản một cách tự chủ: Không xua đuổi để khách không có cơ hội phản ứng và cũng đừng nồng nhiệt chào đón để khách có hứng thú ở lại. Hãy để mặc chúng đến và đi theo nhân duyên của chúng, ta không cần thiết phải can thiệp vào. Quý vị hãy an tâm, các cảm giác đau khổ bức xúc chỉ là những du khách chứ không phải là những cư dân. Khi chúng đến ta biết là chúng đến rồi bình thản nhìn ngắm cho tới khi chúng ra đi. Chúng ta phải xây dựng ở nội tâm mình một khả năng trung hòa: Không ghét thương, không sợ hãi... Chỉ giữ lại cho mình khả năng hiểu biết mà thôi. Cứu cánh của cuộc tu không phải là một cái hầm trú ẩn để trốn tránh đau khổ mật cách nhút nhát tiêu cực mà là một trạng thái tĩnh lặng, thanh tịnh và trong sáng.
Vấn đề thứ ba chính là một câu hỏi của tôi cho các vị. Có ai trong số chúng ta ở đây đã từng trải qua cái cảm giác đau đớn gần như muốn chết hay không? Cho dù sự đau khổ có nghiêm trọng đến mức nào đi nữa thì công việc tốt nhất cho nội tâm chúng ta là nhận biết chính xác sự có mặt của nó. Chỉ nhận biết thôi, chúng ta không cần có thêm một nỗ lực nào khác nữa. Hãy kham nhẫn và quan sát mọi cảm giác chứ không nên thích thú hay chối bỏ chúng. Trong những hoàn cảnh đó hãy cố giữ sao cho nội tâm được chuyên nhất không thiên lệch. Cái cần thiết của chúng ta lúc này chính là sự hiểu biết: Ngồi trong sự hiểu biết, đi trong sự hiểu biết. Trong khả năng ý thức này, chúng ta sẽ thấy được rằng mọi sự đều rổng tuếch ngay trong chính bản chất của chúng. Mọi đau khổ và bức xúc chỉ đơn giản là các cảm giác phù du, chúng không phải là chúng ta cũng không thuộc quyền sở hữu của chúng ta. Chúng được xem là quan trọng chỉ vì chúng ta nắm bắt chúng bằng những khái niệm. Trong khi đó mọi thứ luôn vô thường, cái cũ sẽ được thế chỗ bằng cái mới một cách liên tục. Bản thân chúng chỉ là những gì mà Ðức Phật vẫn gọi là vô thường, khổ não, vô ngã.
Nói một cách chính xác, chúng ta đau khổ chỉ vì chúng ta chấp thủ. Chúng ta phải học được cách đào luyện nội tâm mình cho trở thành một nguồn sức mạnh đủ để đối diện và chấp nhận mọi sự: có thấy được sự đổi thay liên tục của các cảm giác, chúng ta mới thấm thía được định lý vô thường. Và định lý vô thường thì luôn gắn liền với định lý vô ngã.
Vấn đề tiếp theo mà tôi muốn nhấn mạnh với các vị là chúng ta đừng bao giờ đồng hoá mình với bất cứ một đau khổ nào khác. Sự đau khổ không phải là TA và ta cũng không phải là sự đau khổ. Sự đau khổ không tồn tại bên trong bất cứ AI và cũng không có AI sống trong sự đau khổ. Sự đau khổ tự nó xuất hiện, tồn tại rồi biến mất. Chúng ta chỉ có mỗi một trách nhiệm đơn giản là nhận ra được từng diễn biến của sự đau khổ để xem nó đến và đi như thế nào. Hãy nhìn ngắm đau khổ mà không cần thiết phải bận tâm xem nó ở mức độ nào, nhiều hay ít. Nhờ vậy chúng ta mới có thể chấp nhận được nó một cách can đảm, bởi bổn phận của người tu chỉ đơn giản có bốn chữ "can đảm chấp nhận". Và được gọi là một bậc hiền giả thì chỉ đơn giản là người chấp nhận được mọi đau khổ.
Vấn đề tiếp đến có giá trị như là một món hành trang tâm lý để chúng ta có thể đối mặt với cuộc đời nói chung và sự đau khổ nói riêng. Ở đây tôi muốn nói đến thái độ "bao dung" trong tinh thần thấu đáo được cái lẽ tương đối trên đời.
Trước khi đánh giá ai đó là lỗi lầm sai trái thì chúng ta hãy nhớ lại rằng bản thân mình cũng có lúc sai trái lỗi lầm và người kia không phải lúc nào cũng lỗi lầm sai trái. Hãy giữ lại mọi thứ ở một nửa con số đo lường của mình thôi. Có biết suy nghĩ như vậy chúng ta sẽ không bị các tư tưởng chủ quan của mình đày ải. Hoặc khi nghe lại câu chỉ trích của ai đó về mình, chúng ta đừng nông nổi tin tưởng hay phủ bác hoàn toàn. Tức là chỉ giữ lại con số đo năm mươi phần trăm mà thôi. Ðiều đặc biệt là đừng để nội tâm mình có những phản ứng không cần thiết để rồi bị đau khổ. Mọi sự không có gì là tuyệt đối: Rất có thể từng người có liên quan rong chuỗi dài thông tin kia đã thêm thắc vào đó một ít tư ý. Nói vậy có nghĩ là chúng ta đừng bao giờ bị mắc bẩy trong cái suy nghĩ của người khác. Quý vị hãy nhớ lại xem chúng ta thường nổi giận trước khi tìm ra căn cội của vấn đề chính bằng sự suy nghĩ cẩn thận của mình. Ðại khái, hãy luôn tỉnh táo và sáng suốt trước khi muốn làm điều gì đó.
Những khi bị buộc phải làm điều gì đó mà mình không thích, chúng ta thường tỏ ra bất mãn. Hãy nhớ rằng đó không phải là cách phản ứng tốt. Ðừng giử lại trong lòng mình những cảm giác bực bội chỉ vì nghĩ rằng đó là điều vô lý. Ở đây tôi ví dụ như quí vị đang làm việc với một đồng sự của mình. Cả hai bên làm sao có cùng một suy nghĩ được. Mà mọi suy nghĩ thì luôn vô thường, thay đổi. Người đồng sự của quí vị có thể rồi sẽ thay đổi suy nghĩ hoặc cũng có thể họ nghĩ một đàng mà làm một nẻo...Quý vị đừng để mình bị đánh lừa bởi các cảm giác. Bởi nếu chúng ta tỉnh táo thì chúng ta không bị đau khổ. Ðừng bao giờ hoàn toàn tin tưởng vào bất cứ cái gì dầu là chính mình, người khác hay bất cứ một sự kiện nào. Hãy học cách bình thản và không sợ hãi. Ðồng thời cũng đừng để mình bị cuốn hút vào những gì nghe thấy được. Bởi hãy nhớ: cái gì cũng đều vô thường và bất toại, hãy dành cho mọi sự trên đời năm mươi phần trăm giá trị thôi.
Nãy giờ tôi vẫn nói với quí vị về những thái độ cần thiết phải có để đối diện với đau khổ nhưng nếu như ta đã bằng đủ mọi cách mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục đau khổ thì phải làm sao? Ở đây tôi chỉ có một câu trả lời thôi và đồng thời đây cũng chính là một vấn đề nữa trong bài nói chguyện này. Ðó là cố gắng nhìn thẳng vào mọi sự một cách cam đãm và tin tưởng hơn nữa.
Cái nhìn mà tôi muốn nói ở đây chính là trí tuệ về Lý Tứ Ðế. Nếu chúng ta còn "bị đau khổ" thì cũng có nghĩa là chúng ta chưa hoàn tất được chánh kiến của mình. Khi đau khổ xuất hiện, chúng ta hãy dõi mắt theo từng dịch biến của nó bằng cách nhìn ngắm vào chính thân tâm của mình để thấy được thế nào là vai trò nhân tố của lòng tham muốn và chấp thủ đối với sự đau khổ đang hiện hữu. Chúng là những ma chướng, những kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta. Chúng xuất hiện len lỏi qua các dòng tư tưởng của chúng ta. Ghi nhận được chúng, ta sẽ được vô hại, không bị kích động và khỏi phải ôm ấp chúng một cách ngu xuẩn nữa. Con Người Ðau Khổ lúc này đã thành ra một bậc Giác Ngộ, một Ðức Phật. Ta không cần thiết phải đi tìm kiếm thêm những gì thật ra không có liên quan đến con đường mà mình đang đi. Nếu phải đánh mất cả tánh mạng để đổi lấy trí tuệ này thì đó cũng là một điều xứng đáng.
Chánh kiến hay trí tuệ giác ngộ còn có một nguồn trợ lực khác hết sức quan trọng, đó là Chánh Tư Duy. Cho dù có làm bất cứ công việc gì, ta cũng phải luôn giữ được cho mình những khả năng chánh niệm và trí tuệ. Nếu như chúng ta đang lau nhà thì công việc đó vào ngay lúc này phải được xem là một công việc quan trọng nhất trên đời, ngoài ra không còn công việc nào quan trọng hơn. Ðang lau nhà thì chúng ta chỉ nên "biết" mình đang lau nhà mà thôi. Ta phải dành cho công việc đó tất cả sự quan tâm.
Cứ thế, cho đến tất cả những công việc lớn nhỏ khác trong đời sống thường nhật cũng đều phải được thực hiện bằng tinh thần đó. Mỗi việc có một thời gian hoàn toàn độc lập để chúng ta có thể chuyên tâm bất nhị trong mỗi cử động của mình. Như vậy thì công việc nào đối với chúng ta cũng đều có thể là những thiền án: làm chỉ biết là làm, không bận tâm đến những gì ngoài ra. Làm với một tâm hồn thanh thản, không để mình phải bị cực lòng vì những ám ảnh về một quan điểm hay khái niệm nào đó. Chúng ta hãy làm việc như đang thực hiện bổn phận bằng tất cả tinh thần trách nhiệm. Nếu đối với bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng có thể sống với thái độ nội tâm đó được thì chúng ta sẽ không bị đau khổ và sẽ có được một nguồn an lành, tịnh lạc rộng lớn, thường trực. Có thể nói đây là con đường tu hành được đặt cơ sở trên Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.